Total Pageviews

23.11.12

CÂY CHU ĐỒNG TRONG THẦN THOẠI MƯỜNG VÀ TÔ TEM CÂY TRONG TÍN NGƯỠNG CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC Ở NƯỚC TA


Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nếu như người Ấn Độ cho rằng những gì không có trong sử thi Mahabharata và Ramayana thì không thể tìm thấy trong cuộc sống của họ, ta cũng có thể nghĩ rằng không thể biết được đất nước, con người cùng với lịch sử, văn hoá, thần thoại, v.v… của dân tộc Mường nếu không đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước.


I. Cây chu đồng trong thần thoại Mường
Thật vậy Đẻ đất đẻ nước là một nguồn tài liệu vô giá, phong phú và đa dạng về dân tộc Mường, đòi hỏi phải dày công nghiên cứu hơn nữa, vì nó chứa đựng không biết bao nhiêu là ẩn số và để giải mã không biết bao nhiêu là vấn đề còn chưa được sáng tỏ không chỉ của dân tộc Mường mà còn của không ít các dân tộc nước ta, của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

 Khi tiếp xúc với áng văn học dân gian đồ sộ này, từ lần đầu cho tới các lần sau, hình tượng cây si và cây chu đồng đã cuốn hút tôi một cách mạnh mẽ.

 Trong cuốn Mo, sử thi và thần thoại dân tộc Mường, do Vương Anh chủ biên, có ghi rằng: “Sau khi trời hạn, mưa xuống, trong vũ trụ mọc ra một cây si um tùm. Những con sâu hóc sâu hà đục cây làm cho cây si bị ngã. Mỗi cành si rơi xuống tạo ra một mường, có 1919 cành sinh ra 1919 mường. Cũng từ cây si sinh ra mụ Dạ Dần, mụ sinh ra 2 con kết duyên với 2 nàng tiên đẻ ra 10 con, con út là trống chim Tùng, mái chim Tót, đẻ ra trứng chiếng, trứng nở thành người”(1). Vậy là theo các trang của thần thoại Mường, sau khi chứng kiến cảnh đẻ đất, đẻ nước, đẻ mường, bây giờ đến cảnh đẻ người, từ cây si.

 Trong 28 chương của Đẻ đất đẻ nước, chuyện cây si chiếm 3 chương, còn chuyện cây chu đồng thì chiếm những 6 chương.

 So với cây si chuyện cây chu đồng phong phú hơn, đa dạng hơn, hoành tráng hơn và làm cho người đọc sảng khoái gấp bội.

 Trong sử thi nói rằng, lúc đầu người Mường dựng nhà bằng loại thảo (cỏ). Sau nhờ rùa vàng mách bảo, làm nhà theo hình rùa, nghĩa là làm nhà sàn với loài mộc nên vững chắc hơn. Muốn làm nhà sàn, phải có gỗ cây to, nhất là để dựng cột gốc, cột cái. Nhờ đàn kiến bày cho, nhà lang biết có cây chu là nguồn gốc nên giàu nên có, cây chu tà lá chu đồng, bông thau quả thiếc. Lang sai một người đày tớ là Tặm Tạch đi tìm, nhờ đười ươi và chim vàng anh, nên Tặm Tạch đã tìm được. Lang đem quân và dân mường đi chặt cây chu. Lấy lưỡi rìu to bằng ván thuyền mà chặt. Chặt cả ngày cây không đổ. Hôm sau, chỗ bị chặt bữa qua đã tự hàn lại. Đứa hầu ngủ lại canh giữ, nói rằng: Nửa đêm, nghe đàn ma van rối rít, ma khóc hu hu trên cây. Khi chặt được rồi, cả mường hò nhau kéo chu, chu chẳng chuyển. Ông bói mới nói: Ma cây chu đòi ăn gạo, ăn mật, ăn phổi thằng Tặm Tạch, đòi lấy đầu lâu nó rạch làm mõ, lấy xương nó thay gỗ làm đà. Thế là Tặm Tạch bị hiến sinh. Khi kéo về, cây chu lăn xuống vụng. Đầu hoá cá ké, gốc hoá cá căn. Nhờ rái cá, mới cột được cây chu và kéo về mường… Khi dựng nhà đào 36 lỗ, dựng chẳng nên, phải giết 5 trâu đen, 5 trâu bạc, cúng ma tổ, ma núi, ma cây si. Dựng nhà xong, mở tiệc ăn mừng. Hai con của Tặm Tạch vào xin ăn bị xua đuổi. Tức giận chúng buộc rơm và lửa vào đuôi mèo thả vào nhà chu, làm nhà chu cháy sạch. Lang đuổi bắt, chúng trốn vào gốc cây si. Nhà Lang chặt cây si, máu 2 đứa chảy ra biến thành thú dữ, ghê gớm nhất là con Moong Lồ. Nhà Lang săn bắt được. Dân mường xẻ thịt chia nhau ăn, bắt chước màu sắc ở da con thú để dệt vải. Thịt Moong Lồ rơi vãi, chó ăn phải điên, xác chó vứt xuống sông, cá, quạ ăn cũng hoá điên. Nhà Lang phải săn bắt, cuối cùng tiêu diệt được. Cuộc sống của bản mường mới trở nên yên vui.

 Trong Lời giới thiệu rất công phu cuốn sách nói trên, Phan Đăng Nhật cho rằng: Hình tượng cây chu đồng đánh dấu sự ra đời của kim loại, sự xuất hiện giai cấp và cùng với nó là những bi kịch xã hội, như Ăngghen đã viết trong “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước”. Có thể là như thế. Nhưng ở đây, tôi suy nghĩ theo một hướng khác. Hướng này đã được đề cập trong lời giải thích cuốn sách, như sau: “Chu là cây dâu gia đất. Nhưng ở đây nghĩa là cội nguồn của cây rừng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Cây chu là cây thần, tượng trưng cho sự tôn kính, cây lâu năm đã được coi như con người”(2). Đó là những ý kiến rất có giá trị, không phải ai tiếp xúc với Đẻ đất, đẻ nước cũng có được, nhất là tư tưởng “cây được coi như con người”. Hướng suy nghĩ như vậy là rất đúng, nhưng tiếc thay, không được phát triển xa hơn nữa, để đến cội nguồn của vấn đề, mà dừng lại nửa chừng. ý tôi muốn nói phải gắn vấn đề với tôtem cây. Chỉ có như vậy, về nguồn gốc nhận thức, mới được sáng tỏ.

 II. Tôtem cây trong tín ngưỡng của một số dân tộc ở nước ta

Từ cây chu đồng trong thần thoại Mường, sự tìm hiểu đã dẫn dắt ta đến tôtem giáo. Tôtem giáo ở đây thể hiện ở tôtem cây, một loại cây mộc, chứ không phải loại cây thảo. Như vậy sự tìm hiểu của chúng ta sẽ hạn chế trong một lĩnh vực nhỏ hẹp là tôtem cây to trong các công trình kiến trúc lớn, trước hết là nhà ở, được sử dụng làm cột cái, cột gốc để kéo dài độ bền vững của ngôi nhà.

 Trước khi nêu lên các dấu vết của tôtem cây trong tín ngưỡng một số dân tộc nước ta, thiết tưởng cần thiết phải nêu lên những đặc điểm chủ yếu của cây chu đồng với tư cách là tôtem cây, như đã được mô tả trong sử thi Đẻ đất đẻ nước.

1- Cây chu là một cây cổ thụ, lâu năm, cành lá xum xuê ở xa nơi con người cư trú. Muốn tìm nó phải vượt sông suối, núi non, nghĩa là cây ở trong khu rừng cấm. Muốn lấy gỗ của nó phải sử dụng lực lượng của cả bản mường trong nhiều ngày.

 2- Cây chu là nguồn gốc của sự thịnh vượng, nên giàu nên có, nhưng không phải dễ dàng đốn chặt. Phải dùng rìu to (lưỡi như ván thuyền). Phải luân phiên mà chặt. Chặt lâu vẫn không ngã, qua đêm chỗ bị chặt liền lại như cũ.

 3- Cây chu có hồn. Hồn cư ngụ trong cây. Khi bị chặt, ban đêm hồn cây van rối rít, khóc hu hu.

 4- Khi chặt ngã cây rồi, cây vẫn không chịu cho người kéo về mường. Phải giết người sống, làm lễ hiến sinh, thế mạng. Nhưng giữa đường thì vùng lăn xuống nước. Đầu gốc hoá cá. Khi bị đốn ngã, hồn cây hoá ma, ma khóc la ầm ầm như sấm động trên đường bị kéo về mường.

 5- Khi Lang làm nhà, đào hố chôn cột, cột không đứng vững, phải hiến sinh 5 trâu trắng, 5 trâu đen cúng ma cây, mới dựng được cột làm nhà.

 6- Khi làm nhà xong, do chủ nhà đối xử tồi tệ với hai con kẻ bị hiến sinh, nên chúng đốt nhà chu, khi bị Lang lùng bắt, chúng trốn vào gốc cây si, khi Lang đốt cây si thì máu hai trẻ biến thành thú dữ, nhất là con Moong Lồ, tàn phá bản mường.

 7- Lang săn bắt được thú dữ. Dân mường xẻ thịt chia nhau ăn. Đây là cảnh ăn thịt con tôtem với sự tiến hành những nghi lễ nhất định, và con người bắt chước màu sắc da con tôtem để dệt vải mà mặc.

 8- Tôtem tiếp tục trả thù do con người vi phạm cấm kị. Thịt Moong Lồ rơi rớt, chó ăn phải điên, cá, quạ ăn cũng hoá điên. Lang phải vất vả mới diệt được, v.v…

 Nhìn lại tín ngưỡng các dân tộc nước ta, liên quan riêng đến tôtem – cây, ta có thể nêu lên mấy nét như sau:

 1. Niềm tin về nguồn gốc dòng họ dân tộc, nguồn gốc loài người từ cây

Theo truyền thuyết của dân tộc Hmông nước ta, thời xa xưa, sau đại nạn hồng thuỷ, chỉ còn lại hai anh em ruột. Vì loài người chết hết, nên họ buộc phải lấy nhau. Kết quả của cuộc hôn nhân là người vợ sinh ra một cục thịt. Người chồng cắt ra thành nhiều lát nhỏ, cứ mỗi lát thịt thì treo lên một cành cây. Lát thịt treo trên cành cây Đào sinh ra họ Thào, cây Lý sinh ra họ Lý, trên cây Dương sinh ra họ Dương, v.v… Cứ như thế thành ra dân tộc Hmông và các dân tộc khác ngày nay ở nước ta.

 Dân tộc Giẻ – Triêng có họ Tavác (cây to như cây đa), họ Dé (loại cây to, nhựa cây màu đỏ).

 Nếu ta mở rộng ra, kể cả các loại thảo, nghĩa là không phải cây to, thì có nhiều tài liệu hơn nữa. Ví dụ, người Khmú có họ Tvạ (Dương xỉ, cây guột, rau dớn),  họ Ưrr (tỏi), v.v…

Điểm qua các họ của người Kinh, mặc dù so với các dân tộc anh em, người Kinh đã có một bề dày đáng kể về quá trình phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá, nhưng lần sâu về cội nguồn các họ, biết đâu ta sẽ gặp được dấu vết của tôtem cây ở các họ: Đào, Mai, Lê, Dương, Lý, Lâm, Diệp, v.v… Trong Lĩnh nam chích quái có truyện cây cau. Chuyện kể rằng người em trai, vì người anh sau khi lấy vợ có lúc lạt lẽo với mình, nên bỏ đi, giữa rừng gặp suối sâu không qua được, khóc mà chết, hoá thành cây (cau) mọc ở cửa sông, còn người vợ đi tìm chồng, vì đi tìm em đã hoá đá, chết theo chồng, hoá thành cây leo (trầu)(3). Về chuyện người hoá cây này, ta có thể suy nghĩ gì về dấu vết của tôtem giáo ở dân tộc ta?

 2. Niềm tin vào sự thịnh vượng, vào sự trường tồn, vào sức sống mãnh liệt của gia đình, dòng họ mình như cây tôtem

Trong các dân tộc ở nước ta, đa số cũng như thiểu số, niềm tin này gởi gắm vào hai cây tiêu biểu là cây đa (Ficus Bengla – lensis), cây si, biểu tượng của sự trường tồn và cây gạo (cây bông gòn - Bombex Ceiba), biểu tượng sức sống mãnh liệt của cộng đồng.

Dân tộc Ba Na, theo Đặng Nghiêm Vạn, khi mới dựng nhà, thường phải cúng một lần thật to, với nghi thức phức tạp, trong đó lễ đâm trâu và trồng cây gạo là trung tâm của lễ. Đây là lễ nghi nhằm cầu mong gia đình được thần bản mệnh phù hộ và được tràn đầy sức sống như cây gạo mọc nhanh lớn khoẻ(4).

 Dân tộc Xơ Đăng trong tục ăn trâu (capô), để cầu xin sự yên lành, may mắn, “cột đâm trâu của họ thường là cây bông gòn (cây gạo), được trang trí rất đẹp, trên cây có hình tượng mặt trăng ngày rằm, tượng trưng cho sự trong sáng tốt lành của đời sống con người. Họ dùng cây gạo không ngoài ý nghĩa mong sức sống của làng, của nóc, của cá nhân, được mãnh liệt như cây gạo(5).

 Về hình tượng cây đa, cây si và cây gạo mang lại sự trường tồn và sức sống mãnh liệt cho con người, ta thấy rằng ở các dân tộc thiểu số nước ta ngày nay vẫn còn được duy trì, trong khi với người Kinh, hình tượng cây gạo không còn mang tính linh thiêng như xưa nữa, trong khi cây đa vẫn còn là đối tượng thờ cúng. ở nông thôn người Kinh ngay cả trong thành phố nữa, gốc đa thường được thiết lập bàn thờ, và các tầng lớp nhân dân, nhất là các bà cụ già thường xuyên đến lễ bái.

 3. Cây tôtem báo trước cho con người những sự tốt lành, và mang đến cho con người hạnh phúc

Danh nhân nước ta Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút, ở chuyện Điềm cây đa, có viết rằng, ở miếu thần của làng có cây đa to, khi nào trong làng có người đỗ đại khoa thì cành đa tự nhiên mọc ra một cái rễ nhỏ vòng quanh thân cây như là đeo đai vậy. Năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng, cây đa lại mọc đai, nhưng chỉ vòng quanh được đến nửa thân. Khoa ấy có Võ Tôn Hương đỗ. Võ công (tức Võ Tôn Hương) nguyên họ Đào, tổ tiên ở làng Cổ Bi, huyện Gia Lâm, sau đến ngụ ở làng kể đến đời ông nội được ba bốn đời. Làng Cổ Bi cũng có một cây gạo to, trong làng ai thi đỗ thì cây gạo mới nở hoa. Năm Nhâm Thìn cây gạo ấy cũng nẩy hoa. Vì không am hiểu tôtem giáo, nên kết thúc câu chuyện, Phạm Đình Hổ mới thốt lên: “Ôi! Đó là loài cây cỏ vô tri mà còn báo tin không sai, thế thì cũng lạ thay”(6).  Nếu ta nhận thức theo tôtem giáo, cây cũng như người, cây cũng là người, thì chuyện báo tin lành đó, chẳng lấy gì làm lạ.

 Trong các vị thần thiện của dân tộc Êđê (Đaklak) có Yang M’nút Hra là thần cây đa, cây sung, có nhiệm vụ trông nom dòng nước, săn sóc dân làng và đến chúc mừng cho trẻ sơ sinh những điều tốt lành(7).

 4. Niềm tin về cây có hồn, hồn trú ngụ trong cây, ma quỷ, yêu quái cũng trú ngụ trong cây

Người Kinh có câu tục ngữ phổ biến rất rộng rãi: “Thần cây đa, ma cây gạo” (cây chết thì hồn hoá ma, hồn người chết cũng hoá ma). Dù là thần hay ma, người Kinh đều quan niệm đó không phải là loại cây bình thường mà rất linh thiêng, có thể tác động đến cuộc sống con người, đem lại điều lợi hay hại cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

 Người Xơ Đăng tin rằng trong cây đa có thần linh trú ngụ.

 Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, do Vũ Ngọc Khánh và Nguyễn Quang Ân sưu tầm, có chuyện Cây gạo, kể về một người tên là Trình Trung Ngộ từ Bắc Hà vào Nam đi buôn đêm đỗ thuyền dưới cầu Liễu Khê, gặp một người con gái tuyệt sắc, gian díu với nhau, dắt nhau về cánh đồng làng bên cạnh, mới biết người con gái đã qua đời nửa năm, bèn ôm quan tài mà chết. Những đêm tối trời khóc than, đòi lễ bái, dân làng đào mả quăng hài cốt xuống sông. Trên bờ sông cạnh chùa có cây gạo trên 100 năm. Hai hồn nương tựa vào cây gạo làm yêu quái, ai động đến cây gạo thì dao gẫy, rìu mẻ. Sau đến đời Trần (1339) nhờ có một pháp sư mới trừ được. Pháp sư dùng pháp thuật làm đổ cây gạo và sai âm binh trói hai người dẫn đi(8).

 Qua câu chuyện, ta thấy người ta tin hồn người chết hoá ma quỷ trú ẩn trong cây gạo, quấy rối con người.

 5. Tập tục chăm sóc tôtem, mặc như tôtem và ăn tôtem

Về chăm sóc tôtem, ta thấy phổ biến tập tục chăm sóc cây si, cây đa để các cây này cành lá xum xuê trở thành cổ thụ. Ta cũng thấy cư dân miền núi trồng nhiều cây gạo, chăm sóc cây gạo cho tươi tốt, đến bản mường nào mà thấy nhiều cây gạo xanh tươi thì người ta đoán được sự thịnh vượng của bản mường đó. Người Khmú có tập quán làm nhà cho tôtem ở. Khi làm nhà mới, họ Thràng đặt lồng chim ở đầu hồi nhà, chỗ khau cút cho chim ở. Không liên quan đến đề tài này, nhưng cũng cần nói là người Khmú có tập tục làm đám tang cho hổ là tôtem dòng họ rất điển hình. Còn ăn thịt tôtem, ta không có nhiều tài liệu nổi bật như lễ hội gấu của dân tộc thiểu số ở Xibêri nước Nga, nhưng trong chuyện cây chu đồng của người Mường, ta cũng thấy hai đứa bé con của người bị hiến sinh, trốn trong gốc cây si, khi bị Lang chặt gốc, máu hai đứa bé hoá thành thú dữ, đặc biệt con Moong Lồ. Khi Lang săn bắt được Moong Lồ, dân bản mường xẻ thịt ăn. Ăn thịt Moong Lồ xem như ăn thịt tôtem. Dân bản mường cũng bắt chước màu da con Moong Lồ dệt vải mà mặc. Đây là hành động mặc như tôtem của mình.

 Đặng Nghiêm Vạn khi viết về tôtem giáo ở người Khmú, có mô tả lễ cúng tổ tiên của họ Tvạ (rau dớn) như sau: “Vợ chủ nhà đi bắt cá, lấy cá và 3 ngọn rau Tvạ vùi vào bếp. Chủ nhà dâng Tvạ và cá cho Hrôi Gang và tổ chức cho cả nhà ăn tôtem của mình. Khi cúng tổ tiên con cháu phải vẽ mặt hay hoá trang giống tổ tiên (tức tôtem) của mình"(9). Cần chú ý là theo tôtem giáo, nói chung nghiêm cấm ăn tôtem. Nhưng trong những nghi lễ nhất định, việc ăn tôtem lại là bắt buộc, để tăng thêm sức sống cho cộng đồng.

 6. Tôtem cây và lễ hiến sinh người

Năm 1960, trong chuyến điền dã dân tộc học ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Lệ Thuỷ (Quảng Bình) nghiên cứu dân tộc Vân Kiều, tôi có nghe kể một câu chuyện về hiến sinh người trong xây dựng như sau. Lâu lắm rồi ở huyện Hương Hoá tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi có người Vân Kiều sinh sống, trong lúc dựng nhà cho ông Tổng Pư, một tù trưởng người Vân Kiều, người ta có chôn sống một phụ nữ có thai cùng với chiếc cột cái. Theo tập tục, trước khi hạ cột cái, thợ xây cất tiếng kêu, nếu có người nào hay con thú nào đáp lại tiếng kêu, thì đó là đối tượng của nghi lễ hiến sinh. Hồi ấy có một phụ nữ mang thai đi vào rừng hái lượm lâm thổ sản, nghe tiếng kêu bất ngờ của thợ xây vô tình đáp lại tiếng kêu đó, nên bị cưỡng bức làm vật hiến sinh. Việc hiến sinh người để thế mạng cho cây tôtem dùng trong xây dựng là thảm khốc như vậy.

 Đặng Nghiêm Vạn, trong công trình nghiên cứu “Chiếc cột mường (Lắc mường), bái vật quyền uy của chúa đất Thái”, có viết rằng, hằng năm vào dịp đầu xuân trước mùa sản xuất, mỗi mường Thái có tổ chức lễ xên mường (lễ hội mường) để cầu mong phù hộ cho dân mường. Lễ được tiến hành ở khu rừng thiêng. Cột mường tượng trưng cho quyền uy của chúa đất và sự vững mạnh của cộng đồng. Cột mường quan trọng như thế nào với chúa đất và mường, thì cột nhà cái cũng quan trọng như vậy đối với từng gia đình và chủ gia đình: chân cột mường xưa kia chúa đất còn chôn người sống(10). Đây là một công trình đáng chú ý. Tuy nhiên, có điều cần phải bàn thêm. Ví dụ, tác giả cho rằng việc dựng cột mường xưa kia là cột đá, của thời cự thạch, sau này là cột đồng, gần đây là cột gỗ. Có phải như vậy không, hay là cổ xưa hơn cả là cột gỗ?

 Về hành động hiến sinh người trong xây dựng, tác giả cho rằng chúa đất còn chôn người sống dưới chân cột để thêm thiêng, còn với hành động chôn cột trong xây dựng nhà, tác giả viết rằng xưa kia cần yểm bạc, trầu cau để tạ thần linh. Về chiếc cột mường (lắc mường) tác giả cho rằng đó là bái vật quyền uy của chúa đất Thái. Những suy nghĩ như vậy là đáng trân trọng. Có thể là như thế. Nhưng tôi lại nghĩ theo một hướng khác, liên quan đến tôtem giáo, và tôi cho rằng việc hiến sinh người trong lắc mường là để thế mạng cho tôtem cây, bị đốn chặt trong xây dựng, làm như thế để tránh sự trả thù của tôtem cây.

Tập tục hiến sinh người đối với người Kinh ta không có nhiều tài liệu. Trong các sách báo và chuyện kể, ta bắt gặp một số trường hợp hiến sinh người cho thần sông (Hà Bá) và cho thuồng luồng ở các vũng nước sâu. Hiến sinh người trong xây dựng lại càng hiếm hơn. Nếu ở Trung Quốc có chuyện hiến sinh người trong xây dựng Vạn Lý Trường Thành rất thương tâm, nàng Mạnh Khương lặn lội đến công trình xây dựng, tìm chồng không thấy vì đã bị hiến sinh, nàng khóc thảm thiết, nước mắt làm một mảng tường thành bị đổ, thì ở người Kinh, tuy không có trường hợp như vậy, nhưng sự thảm khốc thì nhân lên cấp số nhân, vì tập tục hiến sinh có trường hợp kéo dài đến mấy ngàn năm. Đó là chuyện Mộc Tinh trong Lĩnh nam chích quái.

 Truyện kể, thời Thượng cổ, đất Phong Châu có cây chiên đàn, cành lá xum xuê, cao hơn ngàn nhẫn, rợp trời mấy ngàn dặm. Trải qua hàng ngàn năm lâu ngày cây khô héo, biến thành yêu tinh, biến hoá khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30/12, theo lệ phải mang người sống tới nạp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xiêng Cuồng. Vua Hùng hàng năm sai bắt giống người Liêu Tử tới nạp. Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhờ pháp sư phương Bắc sang nước ta dùng pháp thuật và trò vui mới lừa giết được nó. Lệ tiến lễ hàng năm mới bãi bỏ. Dân lại sống yên lành như xưa(11).

 7. Cấm kị (tabou) liên quan đến tôtem cây trong xây dựng

Các dân tộc nước ta từ rất lâu đời đã có nhiều điều cấm kị liên quan đến xây dựng nhà cửa. Những cấm kị ấy có xu hướng ngày càng giảm dần tính phức tạp, không ít cấm kị chỉ còn là tượng trưng, nhưng lẫn sâu vào cốt lõi, ta thấy mục đích và ý nghĩa của cấm kị không thay đổi. Những cấm kị trải ra và bao trùm tất cả các khâu đoạn trong một quá trình làm nhà, tuy nhiên tập trung và quan trọng nhất là liên quan đến cột cái, cột chính, cột gốc của ngôi nhà, hay nói rộng hơn của một công trình kiến trúc. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà nó bắt nguồn từ thực tiễn của triết lí cuộc sống. Cột gốc có chắc chắn, vững bền thì tuổi thọ ngôi nhà mới dài lâu, và kéo theo nó là sự thịnh vượng của gia đình.

 Đêm hôm trước, nếu nằm mộng mà mơ thấy có dấu hiện không tốt lành theo tập tục dân tộc, thì sáng hôm sau người ta không lên rừng tìm chặt cây dùng làm cột cái. Nếu trên đường đi, mà gặp thú vật chạy qua, hay rắn ngáng giữa đường thì cũng trở về nhà. Vào rừng sâu, rừng cấm thì lựa những cây gốc to, thân cao mọc thẳng, không cụt ngọn, cành lá xum xuê, không có các loại dây leo đeo bám vào cây, thì mới được chọn để làm cột gốc. Người lựa chọn và bổ nhát rìu đầu tiên thường là gia chủ, hay ông cậu, tức anh em trai của mẹ gia chủ. Cũng như lúc chặt cây, khi đào hố để dựng cột nhà nói chung và cột nhà chính nói riêng, phải chọn ngày lành, tháng tốt, không xung khắc với tuổi của gia chủ. Lễ chôn cột cái bao giờ cũng kèm theo tục hiến sinh. Đã từ lâu đã mất đi tục hiến sinh người. Thay thế người là súc vật như trâu, lợn, gà, lúc đầu cả con, về sau chỉ là một bộ phận của cơ thể các con vật ấy, tính tượng trưng là vàng mã. Có thể nghĩ đây là sự khôn ngoan và tinh quái của con người đánh lừa tôtem cây trong hiến sinh. Dựng cột cái xong, xem như cơ bản dựng xong ngôi nhà. Có những dân tộc như dân tộc Thái có những nghi lễ rất độc đáo khi dựng cột. Người chủ trì cuộc lễ buộc lên trên đầu cột túm gianh hay lá gồi. Trên đầu cột thường treo hạt giống, hay sinh thực khí (Linga hay Yoni) bằng gỗ, với mong ước sinh sôi nảy nở cho mùa màng và dòng họ. Tất cả các thứ đó được buộc bằng 9 vòng dây lạt và được úp trong chiếc sọt bằng mắt cáo, tượng trưng mảnh lưới rách trừ ma quỷ(12).  Có dân tộc có tập quán dán bùa chú bằng giấy đỏ vào cột nhà để trừ tà. Khi dựng nhà xong, hành động quan trọng đầu tiên là mang lửa vào nhà mới, đốt lửa suốt đêm ở bếp, lửa trước kia tượng trưng cho thị tộc, nay là sức sống của gia đình, nổi lửa để xua đuổi ma quỷ, tà khí. Người lên nhà đầu tiên là gia chủ hay ông cậu. Tối đầu tiên, người ta lấy thanh tre đánh vào phên, tường nhà gây tiếng động để xua đuổi ma quỷ. Để tránh nỗi sợ hãi khi lên nhà mới, không bao giờ đêm đầu tiên người ta ngủ một mình và không để lửa cho sáng nhà. Trong những trường hợp không cho người lạ vào nhà theo tập quán quy định, người ta dựng cây ta leo trước cửa. Cũng có trường hợp người ta cấm kị không cho người lạ nói tiếng khác tiếng nói gia chủ ở trong nhà. Nhiều cấm kị liên quan đến cột cái, ví dụ bàn thờ ma nhà phải thiết lập gần cột cái. Gần cột cái cũng là nơi nằm và nơi ngủ của gia chủ. Nơi chôn cột cái phải được giữ gìn sạch sẽ, tránh uế tạp. Không được phơi áo quần, đặc biệt là đồ lót phụ nữ ở gần cột cái. ở nhiều dân tộc, bản thân phụ nữ không được lai vãng đến gần cột cái. Không được to tiếng, gây ồn ào ở nơi chôn cột cái và gần bàn thờ ma nhà. Có dân tộc có tập quán bôi máu gia súc hay gia cầm vào thanh tre hay giấy dán ở bàn thờ, bôi máu súc vật vào ông đồ rau, hay bôi máu gia súc hiến sinh vào đầu gối của mọi thành viên trong gia đình trong dịp cúng tổ tiên, xét về nguồn gốc đều quan hệ đến hiến sinh trong xây dựng nhà.

 Kết luận

Như vậy, tôtem với con người ở trong mối quan hệ bình đẳng, con người không sợ hãi tôtem ở xã hội thị tộc, về sau với sự phát triển của xã hội, tôtem trở thành đối tượng thờ cúng của con người. Người ta sợ tôtem làm hại đến mức không dám vào rừng sâu có nhiều cây cổ thụ một mình, đặc biệt là ban đêm, từ rừng sâu đi về nhà, sờ sợ, thấy rợn người, nhất là khi thấy đom đóm lập loè, cho là ma trơi, không dám quay người nhìn lại. Các cấm kị liên quan đến cột cái, đến ngôi nhà nói chung có liên quan đến tôtem cây, đến sự hiến sinh trong xây dựng, đến các hành động nhằm loại trừ sự trả thù của tôtem cây do bị đốn chặt để xây dựng nhà. Nếu không phải tất cả thì một phần quan trọng các cấm kị liên quan đến nhà ở sẽ dần dần được sáng tỏ, khi ta tiếp cận với tôtem giáo, trực tiếp là tôtem cây.

 Nếu tôn giáo nói chung, tôtem giáo nói riêng có cội rễ từ nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội, một khi dân trí được nâng cao, con người có một cuộc sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, thì những cấm kị như đã nói ở trên sẽ vĩnh viễn trở thành quá khứ./.

GS. Phan Hữu Dật
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo  (Số 4(34)/2005)

No comments:

Post a Comment