Total Pageviews

15.11.12

Lễ Khai giảng năm học 2012-13 và trao Giải thưởng Phan Hữu Dật


Chiều 19/10/2012, tại tầng 8 nhà E Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ môn Nhân học đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2012-13 và trao Giải thưởng Phan Hữu Dật. Đến dự buổi lễ có PGS. TS Trần Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị & Công tác Sinh Viên, Ban Thanh Tra, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Hành chính - Tổng hợp; PGS. TS Vương Xuân Tình - Viện Trưởng Viện Dân tộc học, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Đại diện Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam; và các nhà khoa học tham gia giảng dạy tại Bộ môn.
            Tham gia buổi lễ còn có toàn thể giảng viên và sinh viên của Bộ môn Nhân học. Đặc biệt buổi Lễ có sự hiện diện của NGND, GS.TS. Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (nay là Bộ môn Nhân học) và là người đã góp tiền xây dựng Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật.
            Sau phần khai mạc, PGS. TS Lâm Bá Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học phát biểu khai giảng năm học mới. Bài phát biểu của PGS. TS Lâm Bá Nam nhấn mạnh:
            “[…] Hôm nay cùng với niềm vui của những ngày tháng 10 lịch sử, trong không khí cả nước triển khai năm học mới, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục, thầy và trò Bộ môn Nhân học vui mừng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2012-2013 và trao giải thưởng Phan Hữu Dật. Thay mặt Chi ủy, Ban chủ nhiệm Bộ môn tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của lãnh đạo Nhà trường, các phòng ban chức năng, các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và toàn thể anh chị em sinh viên Bộ môn Nhân học.
            [...] Bộ môn nhân học thuộc trường chính thức được thành lập trên cơ sở bộ môn Dân tộc học/Nhân học thuộc khoa Lịch sử được thành lập từ năm 1960. Trên hành trình trên nửa thế kỷ qua, thầy và trò bộ môn Dân tộc học trước đây và bộ môn Nhân học hiện nay đã có mặt trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú đến xóm Mũi  Cà Mau, từ vùng núi cao, cao nguyên đến đồng bằng duyên hải, hải đảo. Những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà giáo và sinh viên Bộ môn đã đóng góp tích cực trong việc nhận diện bức tranh văn hóa đa tộc người ở nước ta; xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra từ góc độ lý luận đến các vấn đề thực tiễn vì sự phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dân tộc học/Nhân học, năm 2010, Hiệu trưởng Nhà trường đã quyết định thành lập bộ môn Nhân học thuộc Trường. Đây là điều kiện và là cơ hộ để cán bộ và sinh viên Bộ môn đẩy mạnh xây dựng ngành Nhân học đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng ngành Nhân học mang bản sắc Việt Nam.
            Chúng tôi cũng vui mừng thông báo với quý vị đại biểu và các thầy cô giáo được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường trong năm học này sẽ có sinh viên ngành Nhân học đầu tiên ra trường. Chúng tôi cũng vui mưng nhận thấy sinh viên Nhân học ngay từ khóa đầu đã thể hiện sự tự tin năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thể hiện niềm say mê trong học tập, số sinh viên đạt học lực vào loại giỏi ngày càng tăng. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con em các dân tộc thiểu số đã vươn lên giành nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Tính sẻ chia, niềm cộng cảm, tác phong làm việc nhóm đã trở thành đặc trưng của sinh viên Nhân học. Các bạn chính là tương lai của ngành Nhân học và tương lai đang chờ đón các bạn. Bộ môn và các thầy cô giáo luôn hy vọng tin tưởng và chờ đón những thành công trong học tập và rèn luyện của các bạn
            [...] Trong không khí trang trọng này, cho phép tôi thay mặt các thầy cô giáo xin tri ân về những đóng góp xây dựng của các thế hệ các nhà giáo, nhà khoa học giàu tâm huyết và tài năng: các GS, nhà giáo Vương Hoàng Tuyên,  Đặng Nghiêm Vạn,  Hoàng Nam,  Nguyễn Dương Bình, Nguyễn Quốc Lập,  Hoàng Lương,  Hoàng Hoa Toàn, Đặng Huy Kiểm, Hà Văn Thụ,  Lê Ngọc Thắng và các thế hệ thầy cô giáo Khoa Lịch Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hiện nay.
            Đặc biệt xin tri ân sự đóng góp và tấm lòng cao cả của Ông bà GS, Nhà giáo Nhân Dân Phan Hữu Dật, cô Nguyễn Phước Chánh Thành. Trên các cương vị từng trải qua: Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học, Chủ nhiệm khoa Lịch Sử,  Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội,  Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam... GS đã có đóng góp quan trọng việc xây dựng và phát triển Bộ môn Dân tộc học nói riêng và ngành Dân tộc học nói chung. Ông bà GS Phan Hữu Dật - Nguyễn Phước Chánh Thành đã tặng toàn bộ tủ sách  2000 đầu tài liệu quý cho Bộ môn và năm 2011 Ông bà đã gửi 100 triệu động làm giải thưởng Phan Hữu Dật cho sinh viên và học viên sau đại học ngành Nhân học. Tôi đề nghị chúng ta nhiệt liệt cảm ơn và chúc sức khỏe thầy cô Phan Hữu Dật-Nguyễn Phước Chánh Thành.
            Nhân ngày vui hôm nay, thay mặt toàn thể cán bộ sinh viên Bộ môn, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm kể cả vật chất và tinh thần của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; các phòng ban chức năng và các đơn vị bạn. Xin cảm ơn sự quan tâm hợp tác của Lãnh đạo Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài trường (hàng năm Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam và nhà dân tộc học TS Vi Văn An đều có phần thưởng cho sinh viên tốt nghiệp có kết quả học tập xuất sắc) [...].”
            Trên cơ sở kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, công tác lớp, đoàn, hội và những nỗ lực phấn đấu vượt khó trong học tập và trong cuộc sống của sinh viên ngành Nhân học, Ban Giám hiệu, Ban Điều hành Quỹ và Ban Chủ nhiệm Bộ môn đã quyết định khen thưởng 11 sinh viên K54, 55, 56 và 57 của Bộ môn Nhân học.
            Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng, GS Phan Hữu Dật đã không chỉ truyền nguồn cảm hứng, lòng nhiệt huyết và sự đam mê trong học tập và nghiên cứu cho sinh viên Nhân học, mà còn hy vọng những nhà Nhân học chuyên nghiệp tương lai sẽ cố gắng vượt qua được chính mình, vượt qua số phận, để đạt được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Cuộc đời bao gian khó nhưng đầy niềm kiêu hãnh của GS Phan Hữu Dật là một ví dụ khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên cho cả người học và người dạy, như PGS. TS Trần Minh Hòa đã phát biểu trong buổi Lễ.  
            Danh sách 11 sinh viên được nhận Giải thưởng Phan Hữu Dật năm 2012:
Trần Diệu Anh (K54)
Nguyễn Thanh Tùng (K54)
Lương Thị Trang (K54)
Tạ Thị Anh (K55)
Đỗ Quỳnh Anh (K55)
Trần Thị Hương (K55)
Nguyễn Hải Hà (K56)
Trịnh Thị Gấm (K56)
Hoàng Thị Hỏi (K56)
Ngô Thị Thảo Trang (K57)
Lồ Thị Dung (K57)



No comments:

Post a Comment