Total Pageviews

18.11.12

Thăm Bảo tàng mini của GS Phan Hữu Dật


Vừa qua, cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến tham quan Phòng lưu niệm cá nhân tại gia đình của GS Phan Hữu Dật. Phòng trưng bày này được nhiều người đánh giá như một Bảo tàng mini về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

GS Phan Hữu Dật (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên ở nước ta bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô.

Đến nay, ở vào tuổi “bát thập cổ lai hi”, Giáo sư mong muốn những tài liệu hiện vật trong cuộc đời và sự nghiệp của mình được lưu giữ, để lại cho các con, cháu chắt. Do đó, ông tự đầu tư, tạo dựng Phòng lưu niệm tại gia cùng với sự giúp đỡ chuyên môn của các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau 3 tháng thiết kế và xây dựng, đến tháng 6-2011, Phòng lưu niệm của Giáo sư được  khánh thành đúng dịp kỉ niệm sinh nhật của ông.

Tuy căn phòng rộng chừng 20m2 nhưng những tài liệu hiện vật được bảo quản trong hệ thống tủ kính và trưng bày theo nhóm chủ đề như “Quê hương”, “Du học ở Liên Xô”, “Tình duyên bắc qua hai thế kỉ”, “Cánh chim không mỏi”. Mỗi chủ đề là mỗi câu chuyện về tình cảm với quê hương, gia đình, bạn bè, về quá trình học tập, công tác, nghiên cứu. Đặc biệt, căn phòng còn sống động bởi các kỉ vật gắn với  nhiều địa danh, vùng miền mà GS Phan Hữu Dật đã sống, học tập, làm việc; những  tặng phẩm của bạn bè…  được ông trân trọng trưng bày trong các ngăn tủ.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã đánh giá về Bảo tàng mini của Giáo sư: “Có lẽ Phòng lưu niệm của GS Phan Hữu Dật là một trong những Phòng lưu niệm về nhà khoa học đầu tiên ở Hà Nội và nước ta được chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp. Căn phòng nhỏ tuy còn rất khiêm tốn nhưng đã kể lại được cả cuộc đời của Giáo sư từ gia đình, sự nghiệp khoa học và quản lí khoa học đến tình bạn cao cả”.

GS Phan Hữu Dật đề nghị Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam quản lí toàn bộ Phòng trưng bày này và có ý định mở rộng không gian để có thể trưng bày  khoảng 500 tài liệu hiện vật còn lại của ông.

Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam








No comments:

Post a Comment