Total Pageviews

6.3.13

LẠI BÀN VỀ CHẾ ĐỘ SONG HỆ Ở CÁC DÂN TỘC NƯỚC TA


Trong đời sống của các dân tộc trên thế giới và ở nước ta, việc tính huyết tộc là một vấn đề hết sức trọng yếu. Nó quy định con cái thuộc về ai trong đôi sinh thành (vợ chồng). Đi đôi và gắn chặt với vấn đề này là quyền và trách nhiệm. Quyền thừa kế (chức tước, của cải (động sản và bất động sản), đặc quyền, đặc lợi), bổn phận của người thừa kế đối với người mà mình được tính huyết tộc.
Việc tính huyết tộc là một thiết chế trong hôn nhân và gia đình, mọi thành viên trong cộng đồng đều phải tuân thủ. Dưới xã hội nguyên thủy, khi chữ viết chưa ra đời, nó là một nội dung quan trọng của luật tục, của tập quán pháp. Còn trong xã hội có giai cấp, có văn tự, thì nó là nội dung quan trọng của luật pháp, cụ thể là của Luật hôn nhân và gia đình, hay nói rộng hơn là của Luật dân sự.
Theo tình hình nghiên cứu của khoa Dân tộc học ngày nay ta phân biệt 3 loại tử hệ (tính huyết tộc).
a. Tử hệ độc phương (filiation unilinéaire). Trong tử hệ độc phương có hai loại nhỏ, hoặc tính theo dòng mẹ (matrilinéaire), hoặc tính theo dòng bố (patrilinéaire)
b. Song hệ (double filiation unilinéaire, hay bilinéaire)
c. Tính tử hệ không phân biệt (theo truyền thống Pháp, filia-tion indifférenciée; theo truyền thống Anh bilateral descent)
Cố nhiên giữa 3 loại tử hệ này không có sự ngăn cách tuyệt đối. Người ta cho rằng việc tính tử hệ theo độc phương là có tính cách phổ biến. Hiện nay ở các dân tộc trên thế giới và trong nước ta, còn sót lại một số ít dân tộc tính huyết tộc theo dòng mẹ. Còn việc tính huyết tộc theo dòng bố thịnh hành từ lâu trong đại bộ phận các dân tộc. Ít phổ biến hơn nhưng cũng phức tạp hơn nhiều là việc tính theo chế độ song hệ, và tính tử hệ không phân biệt.
Riêng chế độ song hệ, trên sách báo khoa học nước ta, vài mươi năm trở lại đây, có một số tác giả đã có đề cập đến khi viết về người Xơ Đăng, người Hrê, người Chơ Ro, người Ba Na, người Khơ Me.
Trước khi căn cứ bào các tư liệu khoa học đã được công bố để xác định ở các dân tộc nước ta, có hay không chế độ song hệ, cần phải tìm hiểu khái niệm và những đặc điểm chủ yếu của chế độ song hệ, cũng như tham khảo vài trường hợp điển hình về chế độ song hệ mà Dân tộc học thế giới đã ghi lại được.
Claude Lévi – Strauss, trong công trình “Những cấu trúc sơ đẳng của chế độ thân tộc” đã nói về chế độ song hệ như sau : “ Chúng ta gọi song hệ, những hệ thống được xác định, biểu thị bởi sự hiện diện kề bên nhau (juxtaposition) của hai tử hệ độc phương (unilinéaires), mỗi hệ tử chuyển giao những quyền lợi (droit) của một loại nhất định”.  
Theo Simon Dreyfus, trong “Từ vị và những khái niệm tìm hiểu chế độ thân tộc”, thì song hệ là hệ thống, ở đó hai đường tử hệ độc phương giao nhau (s’entrecroisent).
Michel Panoff, Michel Perrin, trong “Từ điển Dân tộc học” định nghĩa song hệ như sau : “Qui tắc kết hợp (combine) việc tính huyết tộc theo dòng bố với việc tính huyết tộc theo dòng mẹ bằng cách gắn mọi cá nhân vào một nhóm của mỗi loại, những yếu tố của quy chế trong một dòng là khác biệt với quy chế của dòng kia”.
Roger M.Kessing trong “Nhóm dòng họ và cấu trúc xã hội”, quan niệm song hệ như sau : “ Một hệ thống, nhờ đó hai giới nhóm xã hội hoặc hạng người tồn tại trong cùng một xã hội do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhóm này dựa vào tính tử hệ theo dòng bố, nhóm kia tính tử hệ theo dòng mẹ (Như vậy một người vừa thuộc vào nhóm tử hệ theo bố, và vừa thuộc nhóm tử hệ theo mẹ).
Ernest L.Schusky, trong “Khái luận phân tích chế độ thân tộc”, khi nói về nhóm dòng họ song hệ viết như sau : “Gồm những người gắn bó với nhau bởi cả hai dây liên hệ, bên bố và bên mẹ, bao gồm cả những người nằm trong mối quan hệ thân tộc như anh chị em ruột, con chú bác, con dì con già, ông(bên bố) và các con của con gái của bà (Murdock  George, P..Social structure, N.Y. 1949). Với chế độ song hệ, mỗi cá nhân đồng thời (simultaneously) thuộc (belongs) nhóm theo dòng mẹ, và thuộc nhóm theo dòng bố (Lowie Robert, Social organization, N.Y.1948),
Theo Marc Augé trong “Các lĩnh vực của chế độ thân tộc”,, “Chế độ song hệ xác định rất rõ ràng các nhóm riêng biệt, nhưng đây không phải là những nhóm tương đồng, không phải chỉ vì chúng không chính thức đóng một vai trò xã hội và kinh tế như nhau, mà bởi một trong hai nhóm thông thường không phải là một nhóm, mà là một cộng đồng “ảo” (communauté “vir-tuelle”) được xác định bởi một sự cấm đoán, một sự thừa kế, một nguyên tắc tâm linh).  
Từ những ý kiến của một số nhà khoa học trên thế giới được nêu ở trên, ta có thể rút ra 3 đặc điểm chủ yếu sau đây của chế độ song hệ :
a. Chế độ song hệ là một chế độ mà một người trong xã hội, vừa thuộc về nhóm tử hệ theo bố, và vừa thuộc về nhóm tử hệ theo mẹ. Nói cách khác, với chế độ song hệ, mỗi cá nhân đồng thời thuộc nhóm theo dòng mẹ và vừa thuộc nhóm theo dòng bố.
b. Trong chế độ song hệ, dòng theo bố và dong theo mẹ có những quy chế khác biệt nhau.
c. Với chế độ song hệ, các nhóm heo dòng bố và các nhóm theo dòng mẹ là những nhóm riêng biệt và không tương đồng. Một loại nhóm này là thực, một loại nhóm là cộng đồng “ảo”. Hai loại nhóm này không giữ vai trò xã hội và kinh tế giống nhau trong xã hội.
Theo tài liệu Dân tộc học thế giới, trong các xã hội song hệ trên hành tinh chúng ta, xã hội song hệ của người Yako ở nước Nigiêria, thuộc Châu Phi là nghiên cứu đầy đủ hơn cả. Và đây cũng là ví dụ điển hình về chế độ song hệ.
Trong xã hội người Yako, nhóm người thuộc dòng bố gọi là Kepun, có nơi cư trú ổn định và rõ ràng. Bố và các con trai cùng với các bà vợ của họ cư trú trong cung một khu vực đất đai. Còn nhóm thuộc dòng họ mẹ gọi là Léjima thì phân bố, phân tán (trên khắp đất nước). Cậu (anh em trai của mẹ) và cháu trai của bên mẹ, mỗi người đều sống gần gũi với những người thuộc dòng bố của họ. Bố khi mất đi chuyển giao cho con trai ruộng đất, nhưng gia súc và tiền bạc thì chuyển cho con trai của chị em gái mình, “người ta ăn trong Kepun và người ta hưởng gia tài trong Léjima”. Một câu ngạn ngữ người Yako nói như vậy. Nhóm trong dòng bố thì ngoại hôn chặt chẽ, còn nhóm theo dòng mẹ thì ngoại hôn ở mức độ ít hơn. Nhưng sự kết hợp giữa những người theo dòng mẹ rất gần gũi làm khơi dậy sự bài xích. (Đ.Paulma,, theo Darryll Forde).
Về chế độ thừa kế ở người Yako, Robin Fox còn nhấn mạnh như sau : “Một người hưởng thừa kế ở từ hai phía. Từ người bố người ta hưởng nhà cửa, ruộng đất và bất động sản, và từ người cậu (anh em trai của mẹ), người ta thừa hưởng tiền bạc, gia súc và các bất động sản. Nói cách khác một người khi chết đi để lại đất đai và nhà cửa cho các con trai và những người gần gũi khác của họ, và để lại tiền bạc, gia súc cho các con trai của chị em gái của họ và các bà con gần gũi khác cùng mẹ khác cha.”
Ngoài người Yako, người Ashan ti ở nước Ghana, cũng ở châu Phi đã cho ta một ví dụ khác rất sinh động về chế độ song hệ.
Ở người Ashanti, người ta thừa hưởng ở bố ntoro (thần linh), nhưng lại thuộc về thị tộc mẹ, abusa (thị tộc mẫu hệ) hay theo dòng mẹ, mới hình thành các nhóm cư trú ổn định trong khi các cá nhân cùng thuộc một ntoro (theo dòng bố) thì phân tán trên khắp đất nước. Mặt khác một người đàn ông và một người đàn bà cùng thuộc một ntoro có thể lấy nhau, nếu họ không xác định được gốc gác chung theo dòng cha (trên 4 hoặc 5 thế hệ). Người ta sẵn sàng lấy nhau trong dòng anh em trai bố và chị em gái bố, trong khi giữa những người bà con trong một abusua thì không được lấy nhau (không kể cách xa mấy đời).
Người Yako và người Ashanti cho ta ví dụ về chế độ song hệ, nhưng tình hình thì gần như trái ngược nhau. Cũng là hai tử hệ độc phương đặt bên nhau (juxtaposer), hay chồng chéo nhau (s’entrecroiser), nhưng ở người Ashanti, dòng mẹ dường như quan trọng hơn, trong khi đối người Yako, thì đó lại là dòng bố.
Từ hai ví dụ nói trên rút ra trong tài liệu Dân tộc học thế giới, ta có thể nêu lên mấy đặc điểm sau đây về chế độ song hệ :
1- Trong xã hội song hệ, mỗi cá nhân được tính tử hệ đông thời theo 2 dòng, dòng bên bố và dòng bên mẹ.
2- Hai hệ dòng này tách biệt nhau, tầm quan trọng không tương đồng .
3- Trong hai hệ dòng trên, một hệ dòng là có thật (các thành viên cùng cư trú trên cùng một địa vực cư trú ổn định, rõ ràng),còn một hệ dòng là những cộng đồng “ảo” (các thành viên không có nơi cư trú ổn định rõ ràng, mà phân tán ra khắp đất nước)
4- Mỗi hệ dòng có một số quy tắc riêng. Các quy tắc ở 2 hệ dòng do đó không giống nhau.
5- Về phương tiện hôn nhân, tính ngoại hôn ở các cộng đồng thực thi chặt chẽ. Còn ở các cộng đồng “ảo” thì lỏng lẻo hơn. Ở người Yako, nhóm theo dòng bố Kepun thì ngoại hôn chặt chẽ, nhóm theo dòng mẹ Lejima thì ngoại hôn ở mức độ ít hơn. Ở người Ashanti, những người theo dòng mẹ, trong cùng một abusua thì tuyệt đối không được lấy nhau, còn những người theo dòng bố, trong cùng ntoro, thì có thể lấy nhau nếu xa gốc gác chung một số thế hệ.
6- Về mặt thừa kế, ở người Yako, khi người bố mất thì chuyển giao cho con trai ruộng đất, nhưng gia súc và tiền bạc thì chuyển giao con trai của chị em gái mình. Ở người Ashanti theo Claude Lévi-Strauss, có 3 hình thức khác nhau về thừa kế.Các con trai, gái thuộc dòng ntoro của bố. Các con trai, gái cũng đều thuộc thị tộc của mẹ.Nhưng các con trai thì thừa kế tcina của bố, trong khi các con gái thừa kế tcina của mẹ (tcina là sự kiêng cữ không ăn một số thức ăn, mà sự vi phạm theo tín ngưỡng dân gian, sẽ gây bệnh hủi.
Bây giờ ta hãy xem xét những cứ liệu, mà căn cứ vào đó một số nhà khoa học nước ta xác định sự tồn tại của chế độ song hệ ở một số dân tộc.
Nêu dẫn chứng về chế độ song hệ ở người Xơ Đăng theo tập thể tác giả công trình “Các dân tộc tỉnh Gia-Lai - Công-Tum viết “Gia đình Xơ Đăng theo chế độ song hệ, tức là không theo dòng mẹ, cũng không theo dòng cha. Người Xơ Đăng không có một thuật ngữ chỉ họ theo lối hiểu thông thường. Nếu trong sinh hoạt, việc phân công lao động và xã hội, dựa trên tự nguyện, bình đẳng tùy theo sức lực, theo giới và theo lứa tuổi, thì trong việc thừa tự cũng dành cho cả nam và nữ. Nên những ý kiến trước đây cho rằng người Xơ Đăng đã bước sang chế độ phụ quyền cần được xem xét lại.
Căn cứ vào đoạn văn trích trên đây, ta thấy đặc điểm của song hệ theo tập thể tác giả nói trên là :
a. Chế độ không theo dòng mẹ, cũng như không theo dòng bố.
b. Phân công lao động và xã hội dựa trên tự nguyện, bình đẳng tùy theo sức lực, theo giới và theo lứa tuổi.
c. Trong việc thừa tự, cả nam và nữ đều có quyền.
Lưu Hùng trong bài “Góp phần nghiên cứu tính song hệ ở dân tộc Hrê,” đã nêu lên một số những đặc điểm của xã hội song hệ Hrê như sau:
1. Về mặt tình cảm họ hàng, quan niệm đồng nhất dòng mẹ, dòng cha thể hiện rõ ở cách đặt tên con.
2. Trong thuật ngữ hệ thống thân tộc, người Hrê không phân biệt phía mẹ với phía cha.
3. Chế độ hôn nhân cư trú ở nhà vợ hay chồng tùy ý muốn đôi trai gái và tùy yêu cầu lấy dâu hoặc rể của một phía đã dẫn đến tình trạng nhóm họ hàng thương phân tán.
4. Tính chất của quan hệ họ hàng ở đây thể hiện không phải là điển hình mẫu hệ, cũng không phải là điển hình phụ hệ, mà quả thật người Hrê rất công bằng trong quan niệm hệ mẹ, hệ cha.
5. Khi chia gia tài cho các con, người Hrê không phân biệt trai gái. Đối với những người con khác đã ở riêng được một thời gian, cha mẹ gọi về cấp cho ruộng đất hay trâu, chiêng, ché, thóc … làm vốn.
6. Nếu như ở người Co đang chuyển biến sang phụ hệ, vai trò đàn ông Co được đề cao khá rõ nét, thì ở dân tộc Hrê vẫn bảo lưu sự ngang bằng trai gái.
Kết luận về bài nghiên cứu về tính song hệ của người Hrê, Lưu Hùng viết:
a. “Không thể nói rằng người Hrê theo truyền thống trưởng tộc, trưởng nam. Càng không chính xác khi kết luận đây là cư dân theo mẫu hệ hay phụ hệ, và cũng chưa đúng nếu nhận xét địa vị phụ nữ Hrê thấp kém. Đây là cư dân theo chế độ song hệ, chế độ tính tử hệ không phân biệt.”
b. Hệ thống thuật ngữ thân thuộc, không có sự phân biệt giữa phía mẹ và phía cha.
c. Về khái niệm dòng họ : Sự phân biệt phía cha, phía chồng, đằng mẹ, đằng vợ không gắn với ý thức xác định nội ngoại.
d. Tính bình đẳng trai gái, vợ chồng được bảo lưu trong đời sống gia đình và xã hội. Nó phù hợp với tinh thần không trọng nam hơn, không quý nữ hơn của quan hệ song hệ.
Như vậy, theo quan niệm của Lưu Hùng, đặc điểm chủ yếu có tính chất bao trùm của chế độ song hệ là sự bình đẳng nam nữ về mọi mặt không có sự khác biệt giữa phía mẹ và phía cha, không theo mẫu hệ cũng không theo phụ hệ.
Còn đối với người Chơ Ro, theo tập thể tác giả cuốn sách “Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, thì chế độ song hệ ở đây có các biểu hiện sau :
“Gia đình Chơ Ro là tiểu gia đình song hệ, bao gồm cặp vợ chồng và con cái của họ, sinh sống trong một nhà riêng biệt. Quyền thừa hưởng tài sản vẫn còn dành cho các con gái, các tập quán phụ hệ còn lâu mới chiếm được ưu thế trong đời sống gia đình.”
Cũng trong tác phẩm trên, nói về người Ba Na , tập thể tác giả viết
“Gia đình Ba Na là song hệ. Điều này là hiển nhiên khi người ta biết rằng cặp vợ chồng mới cưới không dành sự ưu tiên nào cho nơi cư trú bên chồng, cũng như nơi cư trú bên vợ, mà sự lựa chọn nơi cư trú chỉ đơn giản là một vấn đề thuận lợi mà thôi. Hơn thế nữa, có một sự phân công lao động nào đó, đàn ông thay mặt gia đình lo công việc làng bản, đàn bà làm công việc nội trợ.”
Và sau đây là biểu hiện song hệ ở người Khơ Me, theo tác phẩm nói trên :
“Trên thực tế, gia đình Khơ Me, là song hệ. Mặc dù có một ưu thế ngày càng tăng của tính phụ hệ, nhưng dấu vết của một chế đọ mẫu quyền đang còn thấy được trong tập quán cũng như tình cảm. Trong hôn nhân, nơi cư trú bên vợ đang còn được phổ biến. Các con cái, dù trai hay gái, trưởng thành hay út đều được thừa kế như nhau về gia sản của bố mẹ.”
Căn cứ các đoạn trích dẫn trên về sự tồn tại của chế độ song hệ người Chơ Ro, Khơ Me, ta thấy các biểu hiện của tính song hệ là :
1. Sự bình đẳng nam nữ.
2. Cặp vợ chồng mới cưới không dành một sự ưu tiên nào cho nơi cư trú bên chồng, hoặc bên vợ.
3. Có sự phân công lao động trong xã hội, đàn ông lo việc làng bản, đàn bà lo việc nội trợ.
4. Con trai hay con gái đều được hưởng quyền như nhau thừa kế tài sản của bố mẹ.
Kết luận : Căn cứ vào các dữ liệu về dân tộc Xơ Đăng, Hrê, Chơ Ro, Ba Na, Khơ Me được trích dẫn ở trên, đối chiếu với tài liệu về song hệ của Dân tộc trên thế giới, ta có thể nói rằng không một dân tộc nào ở nước ta có chế độ song hệ.
Cố nhiên ta không đòi hỏi các dân tộc nước ta nói trên phải có đầy đủ những đặc điểm như người Yako hay người Ashanti ở Châu Phi. Nhưng muốn được gọi là chế độ song hệ, ít nhất phải mang hai đặc điểm chủ yếu và có tính chất trùm sau đây :
a. Mỗi cá nhân không phân biệt nam hay nữ trong xã hội phải được tính tử hệ đồng thời ở cả hai phía, bên dòng bố và bên dòng mẹ.
b. Gắn liền với việc tính huyết tộc là quyền và bổn phận. Quyền thừa kế và bổn phận của người thừa kế đối với người mà mình được tính huyết tộc.
Nói như vậy, không phải là khẳng định các dân tộc ở nước ta tuyệt đối không có chế độ song hệ. Nhưng cho đến nay những cứ liệu nói về sự tồn tại của chế độ song hệ ở một số dân tộc nước ta là chưa đủ sức thuyết phục. Vấn đề này là tùy thuộc ở cứ liệu. Biết đâu trong tương lai, nền Dân tộc học ở Việt Nam sẽ phát hiện được nhiều cứ liệu mới, có sức thuyết phục về sự tồn tại, nếu không ở dạng đầy đủ thì cũng không ở dạng tàn dư của chế độ sông hẹ nước ta.
Có một điều cần phải nhấn mạnh là chế độ song hệ, một mặt không nói lên tính ưu việt vượt trội hẳn, mặt khác cũng không nói lên tính lạc hậu của dân tộc. Đây chỉ là nét đặc thù, nói lên sự thống nhất trong đa dạng của con đường phát triển của các dân tộc trên thế giới.
Trong bài nghiên cứu nói trên của Lưu Hùng, ta thấy tác giả đòng nhất chế đọ song hệ với chế độ tử hệ không phân biệt. Như đã nói ở trên, chế độ song hệ và chế độ tử hệ không phân biệt là hai loại tử hệ khác nhau, và cùng với việc tính tử hệ theo độc phương, đó là ba tính cách huyết tộc mà xã hội loài người đã biết đến, như quan niệm hiện nay của Dân tộc học thế giới.
Việc tính tử hệ không phân biệt, cũng như song hệ là một vấn đề phức tạp. Nhưng đây là một vấn đề khác vượt ra khỏi phạm vi của báo cáo này.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Marc Augé – Les domaines de la parenté Paris 1975 , trang 63
2. Claude Lévi – Strauss – Les structures élémentaires de la parenté. Paris 1967, trang 123.
3. Đặng Nghiêm Vạn - Cầm Trọng - Trần Mạnh Cát - Lê Duy Đại - Ngô Vĩnh Bình - Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kom Tum - NXB - KHXH 1981, trang 209 - 210
4. Lưu Hùng - Góp phần nghiên cứu tính song hệ ở dân tộc Hrê. Tạp chí Dân tộc học số 3 năm 1983 trang 38 - 42.
5. Đặng Nghiêm Vạn - Chu Thái Sơn - Lưu Hùng - Les ethnies minoritaires du Viet Nam Ha Noi 1986, trang 135.
6. Đặng Nghiêm Vạn … Les ethnies minoritaires, trang 59.
7. Đặng Nghiêm Vạn … Les ethnies minoritaires, trang 50.
8. Claude Lévi – Strauss - Sđd trang 123.
9. Simon Dreyfus - Vocabulaire et concepts des études de la parenté - Gallimard 1978,                                               trang 269.
10. Michel Panoff, Michel Perrin - Dictionnaire de L’Ethnologie - Paris 1973. trang 83.
11. Roger M. Kessing Kin groups and social structure - USA. 1975, trang 149.
12. Ernest Schusky - Manual for kinship analysis USA, 1965 trang 73.
13. Marc Augé - Sđd, trang 64.
14. Marc Augé - Sđd, trang 19.
15. Robin Fox - Anthropologie de la parenté - Gallimard 1972, trang 133.
16. Marc Augé - Sđd, trang 19
17. Claude Lévi - Strauss - Sđd, trang 19.
18. Đặng Nghiêm vạn, Trần Mạnh Cát, Lê Duy Đại, Ngô Vĩnh Bình, Sđd, trang 209.
19. Lưu Hùng - Bđd, trang 38 - 42.
20. Đặng Nghiêm Vạn - Chu Thái Sơn - Lưu Hùng - Sđd, trang 135.


No comments:

Post a Comment