Total Pageviews

9.3.13

MỐI QUAN HỆ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN LỊCH SỬ CỦA CÁC DÂN TỘC TRONG KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG


1. Giới thiệu:
Thế giới hiện nay đang trải qua quá trình toàn cầu hóa, trước hết là về mặt kinh tế, ngày càng được mở rộng. Quá trình này diễn ra đa dạng và phức tạp - khu vực hóa là một hiểu hiện cụ thể của toàn cầu hóa. Nhưng mặt khác, khu vực hóa còn là sự đối trọng của toàn cầu hóa để bảo vệ và phát triển lợi ích của khu vực. Hai quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa dưới các mức độ và biểu hiện khác nhau đang diễn ra khắp các châu lục của hành tinh chúng ta. Đối với Châu Á, có thể nêu lên làm ví dụ: đó là ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam và APEC.
Mọi người đều biết tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC, Asia - Pacific Economic Cooperation) được thành lập từ năm 1989, cho đến năm 2006, gồm có 21 thành viên theo thứ tự thời gian, các nước tham gia APEC như sau:
Năm 1989: Úc, Brunây, Canada, Indonexia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Tân Zeelăng, Philipines, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ (12 nước).
Năm 1991: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hồng Kông, Đài Loan (3 nước và vùng lãnh thổ). Trong số này, Hồng Kông hiện nay đã trở về với lục địa.
Năm 1993: Mêhicô, Tân Ghinê (2 nước).
Năm 1994: Chilê ( 1 nước).
Năm 1998: Pêru, Nga, Việt Nam (3 nước).
Nếu xét về mặt địa lý:
- Ven bờ Tây Thái Bình Dương, phía Châu Á: Có 13 nước và vùng lãnh thổ.
- Ven bờ Đông Thái Bình Dương, phía châu Mỹ: 3 nước.
- Giữa hai bờ Đông - Tây Thái Bình Dương, ở Châu Đại Dương: 3 nước.
- Giữa hai bờ Đông - Tây Thái Bình Dương, ở châu Đại Dương: 3 nước.
Các quốc gia trong khu vực chưa tham gia APEC, có thể kể:
- Châu Á: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Campuchia, Timo.
- Châu Mỹ: Ecuađo, El Salvado, Costa Rica.
- Châu Đại Dương: Còn nhiều quốc đảo chưa tham gia: Đảo Macan, Liên bang Micronedi, Đảo Palau, Đảo Nauru, Đảo Samoa, Đảo Salomon, Đảo Tonga, Đảo Tuvalu, Đảo Vannatu v.v…
Trong các khu vực đã được hình thành hiện nay, không có khu vực nào rộng lớn như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: chỉ tính quy mô của tổ chức APEC gồm 21 thành viên, ta cũng đã thấy tầm vóc của nó to lớn và quan trọng như thế nào. Nó đóng góp gần 50% tổng kim ngạch thương mại thế giới, 60% tổng sản phẩm toàn cầu và chiếm khoảng 40% dân số thế giới. APEC đã trở thành một khu vực tăng trưởng năng động bậc nhất thế giới. Mặc dù chịu ảnh hưởng của sự bất ổn thị trường dầu lửa, các nền kinh tế APEC vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của nền kinh tế toàn cầu. Điều đó chứng tỏ thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư thực sự là động lực thúc đẩy phát triển, đem lại thịnh vượng cho cả khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế thành viên nói riêng.
Hội nghị APEC 14 do Việt Nam đăng cai đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 18-19 tháng 11 năm 2006 với chủ đề: “Hướng tới một cộng đồng năng động và phát triển bền vững và thịnh vượng”. Tuyên bố Hà Nội đã cam kết: Thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, tăng cường an ninh con người, xây dựng các xã hội vững mạnh và là một cộng đồng năng động hài hòa hơn. Sự thành công rực rỡ của Hội nghị được tất cả các nước thành viên và đông đảo dư luận trong nước và quốc tế nhiệt liệt ca ngợi. Như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận xét: “Thành công của Hội nghị APEC 14 đã nâng cao vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Hội nghị APEC 15 vừa diễn ra ở Úc (2007) và đã thành công tốt đẹp.
2. Mối quan hệ của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lịch sử.
Tổ chức APEC chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn, chưa đầy gần 20 năm, đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, không khỏi không có người đặt ra câu hỏi: Một tổ chức với quy mô to lớn như vậy liệu có thể tồn tại được lâu dài không? Một sự tìm hiểu nghiêm túc cho ta thấy rằng APEC sở dĩ thành công được như vậy là do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, đó là do nhu cầu thiết thân của cuộc sống và đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc trong vùng. Đối với tiến trình thế giới, đó là thắng thế của xu hướng vì hòa bình ổn định hợp tác và phát triển. Với Việt Nam, xét đến cùng còn là do sự thắng lợi của chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thành công của đường lối đối ngoại của Đang và Nhà nước ta: Việt Nam muốn là bạn của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Nhu cầu của cuộc sống đó sở dĩ biến được thành hiện thực còn do những nguyên nhân sâu xa. Có một sự thực đáng ngạc nhiên là càng lùi xa về quá khứ, ta thấy các dân tộc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có những mối quan hệ trong lịch sử về nhiều mặt: nhân chủng, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa. Chính mối quan hệ từ xa xưa của các dân tộc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một đảm bảo vững chắc cho mối quan hệ ngày càng phát triển của các dân tộc trong khu vực hiện nay và trong tương lai.
2.1. Những mối quan hệ về nhân chủng
2.1.1. Căn cứ vào những thành tựu của Nhân chủng học trước kia và Nhân học hình thể của Nhân học ngày nay, từ hậu kỳ đồ đá cũ, cách đây 4 đến 5 vạn năm, ở miền Bắc châu Á hình thành đại chủng Mônggôlôit hay lục địa.
Mọi người đều biết trái đất chúng ta được phân chia ra  hai lục địa: Cựu thế giới gồm Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Đại Dương (Úc). Còn Châu Mỹ được gọi là tân lục địa.
Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng cả châu Mỹ, không kể những người thuộc đại chủng Ơrôpôit di cư sang trong thời gian gần đây và từ châu Âu, là từ châu Á di cư sang thông qua eo biển Bêrinh, bằng nhiều giai đoạn: giai đoạn đầu tiên cách đây 35-22 ngàn năm, giai đoạn thứ hai cách đây 22-10 ngàn năm, giai đoạn thứ ba cách đây 10-6 ngàn năm. Căn cứ vào sự phức tạp của các dân tộc châu Mỹ về ngôn ngữ, người ta dự đoán sự chuyển cư đó diễn ra không phải một lần mà bằng nhiều đợt, và con đường chuyển cư là từ Bắc xuống Nam.
Theo bản phân loại các dân tộc trên thế giới về phương diện Nhân chủng học của GS. N.N.Trêbôcxarốp cả dân bản địa châu Mỹ đều thuộc tiểu chủng Amêricanôit thuộc đại chủng Mônggôlôit, gồm có 3 nhóm loại hình từ Bắc xuống Nam (Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Patagôn) (Trêbôcxarôp, 1951),
Như vậy, hiện nay hầu hết các dân tộc hai bên bờ Đông Tây của Thái bình Dương đều thuộc đại chúng Mônggôlôit.
2.1.2. Về mối liên hệ nhân chủng giữa các dân tộc trong vùng, ta có thể nêu lên trường hợp thứ hai rất điển hình là người Pôlinêdiên. Mọi người đều biết ở châu Đại Dương, ngoài Úc, có 3 quần đảo là Mêlanêdi, Micronedi và Polinêdi. Người Mêlanêdirên, người Micronediên, người Oxtralien đều thuộc tiểu chủng Oxtralôxit thuộc đại chủng Nêgrô - Oxtralôxit hay còn gọi là đại chủng Xích đạo. Còn người Pôlinêdiên, theo bản phân loại nói trên của GS.Trêbôcxarốp thì thuộc một nhóm loại hình riêng, cùng với nhóm loại hình Nam Á, nằm trong tiểu chúng Nam Mônggôlôit hay còn gọi là Thái Bình Dương. Như vậy, người Pôlinêdiên từ xa xưa là chuyển từ bờ biển châu Á để dần định cư ngày nay ở Thái Bình Dương.
2.1.3. Có thẻ nêu lên một dẫn chứng thứ ba nữa, đó là người Ai-nu, lớp cư dân bản địa lâu đời nhất của Nhật Bản gồm 2 vạn người. Người Ainu có tầm vóc lực lưỡng, đặc biệt râu rất rậm. Người Ainu hiện nay phân bổ ở các đảo Hokkaido, Sakhalin và quần đảo Curin ở phía Bắc Nhật Bản. Nhiều người cho rằng về phương diện nhân chủng, người Ainu gần gũi với thổ dân Úc và Tân Ghinê. Trong bản phân loại của GS. Trêbôxacrốp, người Ainu, còn gọi là người Curil, nằm trong một nhóm loại hình, cùng với người Ănđamăng, Mêlanêdiên, Oxtralôit, Vêđôit…
Như vậy, trong lịch sử từ xa xưa, người Ainu đã từ địa bàn sinh tụ đầu tiên là châu Đại Dương chuyển cư theo hướng Nam Bắc lên đến tận phía Bắc Nhật  Bản ngày nay.
2.2. Những mối quan hệ về ngôn ngữ
Bản đồ ngôn ngữ của các dân tộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất phức tạp. Trên lãnh thổ Oxtrâylia, người ta thống kê có đến 500 ngôn ngữ bộ lạc, trước khi người châu Âu đến khai phá. Còn ở chau Mỹ, từ Bắc đến Nam cũng có hàng trăm ngôn ngữ của thổ dân da đỏ. Ở châu Á, trong thời gian dài, các nhà ngôn ngữ học không thể xếp các ngôn ngữ Nhật Bản và Triều Tiên vào bất cứ ngữ hệ nào trên thế giới, do tính đặc thù của nó. Gần đây, người ta đã tạm xếp chúng vào nhóm Altai của ngữ hệ Uran - Altai.
Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu, ta sẽ thấy các dân tộc trong khu vực, dưới các mức độ khác nhau đã có mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ.
Vùng Đông Bắc Á châu, giữa lưu vực các sông Hoàng Hà và Dương Tử từ thời dại đá mới đã bước đầu hình thành một nhóm ngôn ngữ, sau trở thành ngữ hệ Hán - Tạng.
Ở vùng Đông Nam Á lục địa, bao gồm một phần phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, từ sông Dương Tử trở về Nam, về miền Đông Bắc Ấn Độ (Assam, cao nguyên Sôta-Napua), từ thời đại đá mới, hình thành ngữ hệ Nam Á, bao gồm nhánh phía Tây là các ngôn ngữ Munda, nhánh phía Đông là các ngôn ngữ Môn-Khơme.
Còn vùng Đông Nam Á hải đảo và cả vùng biển Thái Bình Dương, nơi phân bố các quần đảo Pôlinêdi, Micronêdi, Melanêdi, thì cũng vào thời đại đá mới và sau đó hình thành ngữ hệ Mã Lai - Polinêdi hay còn gọi là ngữ hệ Nam Đảo.
Trong giới khoa học, người đầu tiên nêu lên ý kiến về ngữ hệ Nam Á là E.Kuhn (1883), nhưng người hoàn chỉnh lý thuyết về sự tồn tại của một ngữ hệ gọi là ngữ hệ Nam Á là W.Schmidt, năm 1907 (Schmidt, 1907). Cũng chính nhà ngôn ngữ học W.Schmidt, là người đã hoàn chỉnh thêm lý thuyết về một ngữ hệ nữa, gọi là ngữ hệ Nam Phương bao gồm các ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo (Schmidt, 1907).
Vào cuối thể kỷ XIX, có một nhà khoa học tên là Terrien De Lacouperie đã để xuất ý kiến về một ngữ hệ cực kỳ rộng lớn gọi là ngữ hệ Thái Bình Dương, còn gọi là ngữ hệ  Đông Á - Đại Đương, bao gồm 3 ngữ hệ Nam Á, Nam Phương và Hán - Tạng (De Lacouperie, 1887).
Sự tồn tại của ngữ hệ Thái Bình Dương, tuy cần có thêm tài liệu để chứng minh, nhưng việc các nhà ngôn ngữ nêu lên giả thuyết về sự tồn tại của ngữ hệ đó, chứng tỏ rằng các dân tộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trừ các dân tộc phân bố ở ven bờ Đông Thái Bình Dương và Úc, còn phần lớn,dưới các mức độ khác nhau, đều có quan hệ gần gũi về ngôn ngữ.
2.3. Những mối quan hệ về lịch sử và văn hóa
2.3.1. Nói đến mối quan hệ trong lịch sử giữa các dân tộc trong khu vực, trước hết ta phải nêu lên mối quan hệ giữa người Trung Quốc với các dân tộc trong vùng. Trong quá trình phát triển lịch sử của mình, người Trung Quốc do nhiều nguyên nhân sâu xa về kinh tế và xã hội đã chuyển cư đến hầu khắp các nơi trên thế giới, và nói riêng trong khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, Riêng ở Việt Nam, người Hoa có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ III trước Công nguyên. Sử ta ghi nhận có ba nhóm di cư tiêu biểu nhất, nhóm của Mạc Cửu, chống Thanh thất bại dẫn một đoàn 4000 người vào vùng Hà Tiên khai phá năm 1672. Nhóm Dương Ngạn Địch-Hoàng Tiến, và nhóm Trần Hưng Xuyên - Trần Anh Bình vào Mỹ Tho - Biên Hòa, được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng Đông Phố (Gia Đinh) năm 1679.
Trong vấn đề mở rộng giao lưu giữa Trung quốc với các dân tộc, ta phải kể đến nhà hàng hải Trịnh Hòa thế kỷ 15. Trong thời gian từ 1405 đến 1433, theo lệnh vua nhà Minh, thái giám Trịnh Hòa đã 7 lần chỉ huy một hạm đội hùng mạnh vượt biển xuống Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương, qua Tích Lan, Ấn Độ, các nước Ả-rập, vào biển đỏ và xuôi xuống bờ biển Đông Phi, chiêu dụ hơn 30 nước thần phục thiên triều. Có người còn nêu ý kiến cho rằng chính người Trung Quốc đã tìm ra châu Mỹ trước cả Crixtôp-Côlông (người tìm ra châu Mỹ năm 1492).
Các dân tộc trong khu vực trong trường kỳ lịch sử đã tiếp xúc và tiếp thu văn minh, văn hóa Trung Quốc, quan trọng nhất là Tam giáo. Riêng Khổng giáo Trung Quốc đã bắt rễ sâu rộng ở Nhật Bản. Triều Tiên và Việt Nam. Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thường diễn ra hai chiều có đi có lại. Trung Quốc không chỉ truyền bá văn hóa mà còn tiếp thu văn hóa. Mọi người đều biết cố đô Bắc Kinh có sự đóng góp trí tuệ của một kiến trúc sư tài ba Việt Nam là Nguyễn An. Ngược lại với dòng giao lưu Nam Bắc, một bộ phận con cháu hoàng tộc Lý do hoàng tử Lý Long Tường dẫn đầu đã vượt biển sang Cao Ly, xin tị nạn chính trị ở Trấn Sơn và có công chống quân xâm lược Mông Cổ thế kỷ 13, sau đổi làm Hoa Sơn, lập ra họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Các nhà khoa học như GS.N.Matsumoto cho rằng trong văn hóa Nhật Bản vẫn còn chứa đựng một số yếu tố văn hóa Nam Á như nhà sàn, poncho, xăm hình con rồng. Còn thần thoại Nhật Bản thì mang tính biển giống thần thoại các dân tộc Bắc Á, Đông Nam Á, và châu Đại Dương (Matsumoto, 1928a). Ông ta còn nói trên lĩnh vực Nhân học hình thể, Khảo cổ học, Dân tộc học đã chứng minh được rằng các dân tộc Nhật với các dân tộc nói ngôn nữ Nam Á đã có mối quan hệ, thì không có lý do gì về phương diện ngôn ngữ lại không có mối quan hệ (Matsumoto, 1928b).
Căn cứ vào tài liệu khai quật khảo cổ học ở Equador của E.Estrada năm 1956, dựa trên đồ gốm cổ xưa rất phổ biến toàn Nam Mỹ, S.A.Arutiunốp cho rằng cư dân Nhật và Equador ven bờ vào cuối thiên niên kỷ IV-III trước CN dù rất xa nhau nhưng rất giống nhau về văn hóa (Arutiunốp, 1966).
2.3.2. Trong các dân tộc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có một số vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau quan tâm rất lớn từ mấy thế kyrnay, đó là vấn đề nguồn gốc địa bàn sinh tụ và quá trình thiên di của các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-Pôlinêdiên, tức Nam Đảo.
Người ta đề xuất rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của người Mã Lai, tức Anh đônêxia. Có ba luận điểm được chú ý nhiều hơn cả. Thứ nhất là giả thuyết về Tây Nam Trung Quốc. Một số nhà khoa học phương Tây, trước hết là G.Ferrand nêu lên quan điểm này (Ferrand, 1919). Tổng Bí thư Đảng cộng sản Indônêxia trước đây, ông Aiđích cũng cho rằng, tổ tiên người Inđônêxia hiện nay trước kia từ Tây Nam Trung Quốc theo các dòng sông mà thiên di xuống Đông Nam Á hải đảo (Aiđich, 1959). Nhưng quan điểm được nhiều người tán đồng thì cho rằng Đông Nam Trung Quốc mới là địa bàn sinh tụ của người Mã Lai. Người nêu lên quan điểm này trước tiên là nhà khảo cổ học Áo R.Heine Geldern (Geldern, 1932).
Năm 1942, một nhà khoa học Mỹ là P.K.Bênedict khi nêu lên giả thuyết về sự tồn tại của nhóm ngôn ngữ “Kađai” (Bênêdict, 1942), cho rằng ngôn ngữ Kađai là dấu nối giữa một bên là ngôn ngữ Thái, một bên là ngôn ngữ Anh đônexia tức Mã Lai, cũng là người tán thành quan điểm nói trên của R. Hein Geldern. Trong các nhà khoa học Liên Xô thì có GS.N.N.Trêbôcxarôp và GS.M.C.Levin là người bảo vệ luận điểm này một cách đầy sức thuyết phục (Lêvin và Trêbôcxarôp, 1951). Quan điểm thứ ba về nguồn gốc của người Mã Lai thuộc về nhà khoa học Mỹ W.Solheim II. Ông cho rằng khu vực nằm giữa Anhđôxêxia và Philipines chính là địa bàn sinh tụ của tổ tiên người Mã Lai, từ đó tỏa đi khắp nhiều nơi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lan sang tận đảo Madagascar ở Châu Phi (Solheim II, 1974).
Trong trường hợp địa bàn sinh tụ đầu tiên của người Mã Lai là Đông Nam Trung Quốc, con đường thiên đi có khả năng như thế nào? Người ta dự đoán người Mã Lai là cư dân mang đậm tính chất văn hóa biển, thạo nghề đi biển, nên con đường thiên đi là theo hướng Bắc – Nam, bằng đường biển và đường bộ, men theo bờ biển Tây Thái Bình Dương, trong đó, con đường biển là chủ yếu.
Từ Đông Nam Trung Quốc, các đợt di cư qua Đài Loan, Hải Nam, xuống phía Nam, đến các quần đảo châu Đại Dương, qua Philipines đến Inđônêxia, Malaysia, vượt qua Ấn Độ Dương đến Mađagascar và bờ biển Đông Phi. Ở đảo Mađagascar, châu Phi khoa học đã phát hiện ra rằng trong khi bờ biển phía đông Mađagascar mang nhiều yếu tố văn hóa Mã Lai và Đông Nam Á, thì bờ biển phía Tây đảo này lại mang đậm văn hóa châu Phi.
Con đường biển đi qua Đài Loan và Hải Nam để thiên di về phía Nam, ngày nay còn để lại dấu vết ở Đài Loan với sự hiện diện của tộc người Cao Sơn, và đảo Hải Nam với sự hiện diện của tộc người Hui Hui đều thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai. Cần nói thêm ở Hải Nam còn có người Lê, thuộc ngôn ngữ Kađai. Về con đường bộ ven bờ biển của quá trình thiên di của người Mã Lai xuống phía Nam tuy không phải là con đường chính yếu, nhưng không thể không thừa nhận, Dẫn chứng là luận điểm của Bênêdict nói trên về nhóm ngôn ngữ Kađai ở Cực Bắc Việt Nam, giáp với biên giới Trung Quốc. Các nhà khoa học Việt Nam còn tìm được những yếu tố ngôn ngữ Nam Đảo trong dân tộc Laha ở Lai Châu, Sơn La. Trong tiếng Việt, người ta cũng đã thấy ngoài các yếu tố Môn - Khơme và Tày - Thái còn có một số yếu tố Nam Đảo. Ở miền Bắc nước ta, có một số địa danh có nguồn gốc tiếng Mã Lai. Nhưng quan trọng và đầy sức thuyết phục hơn cả là sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa tổ tiên của người Chăm vào giữa thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên đến đầu Công nguyên ở miền ven biển Trung bộ; sự thành lập vương quốc Champa với nền văn minh rực rỡ, mà các công trình kiến trúc để lại được thế giới chiêm ngưỡng, và riêng tháp Chăm Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Dân tộc Chăm hiện nay ở nước ta có số dân lên đến 132.873 người. Ngoài dân tộc Chăm, ở nước ta hiện có 4 dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo là Ê-đê (270.348 người), Gia-rai (371.537 người), Chu-ru (14.978 người). Raglai (96.931 người). Ngoài ra, cũng có thể một số nhóm nhỏ người Mã Lai thiên đi xuống phía Nam theo triền các con sông lớn ở Đông Nam Á lục địa (Cole, 1945, tr.6).
Có một vấn đề liên quan đến các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo ở nước ta là: Tổ tiên của đồng bào là thuộc lớp người thiên di bằng đường bộ từ Bắc xuống Nam, hay là thuộc lớp người thiên di bằng đường biển, từ Bắc xuống Đông Nam Á hải đảo, rồi từ đó thiên đi ngược trở lại lên miền Nam nước ta và định cư cho đến ngày nay. Tình hình không đơn giản, vì ở Tây Nguyên nước ta hiện song song tồn tại các dân tộc nói hai ngôn ngữ Môn-Khơme và Nam Đảo. Nhà khảo cổ học Áo R.Heine Geldern cho rằng cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơme là chủ nhân chiếc rìu đá mài có vai, còn cư dân nói ngôn ngữ Nam đảo là chủ nhân chiếc rìu đá mài hình tứ diện. Cả hai loại rìu đá mài đó đều thuộc thời đại đá mới, nhưng rìu đá có vai tồn tài trước rìu đá hình tứ diện. Quan điểm của R.Heine Geldern không đủ sức thuyết phục, vì có trường hợp trong một tầng văn hóa khảo cổ học, tìm thấy cả hai loài rìu, cho nên không thể nói cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo là lớp người đến sau cư dân nói ngôn ngữ Môn-khơme. Về mặt văn hóa, hiện nay hai lớp cư dân đó có một số khác biệt, như các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo mang đậm yếu tố mẫu hệ, còn các dân tộc nói ngôn ngữ Môn-khơme thì mang đậm yếu tố phụ hệ. Nhưng mặt khác, nhiều yếu tố văn hóa của hai nhóm người lại có nhiều chỗ tương đồng, rất khó phân biệt đâu là yếu tố riêng của từng loại cư dân. Một vấn đề đặt ra, cư dân nói ngôn ngữ Môn-khơme hiện nay ở Tây Nguyên, có phải xa xưa là người nói ngôn ngữ Nam Đảo, về sau lại bị Môn-khơme hóa. Trái lại cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo có phải xa xưa là người nói tiếng Môn - Khơme về sau bị Nam Đảo hóa.
Qua đó, ta thấy rằng mối quan hệ giữa hai loại cư dân này là một trong những vấn đề khó khăn phức tạp, nhưng đồng thời là hứng thú bậc nhất của khoa Đông phương học và hẹp hơn của khoa Đông Nam Á học hiện nay.
Để tìm hiểu địa bàn sinh tụ và quá trình thiên di của người Mã Lai, người ta sử dụng các khoa học liên ngành và phương pháp liên ngành, trong đó có ngữ thời học (Glottochronology). Ngữ thời học cho phép đoán định thời gian tách ra từ một khối chung để thiên di là khoảng 2.500 năm trước Công Nguyên.
2.3.3. Trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo, bên cạnh các dân tộc nói ngôn ngữ Mã Lai, các dân tộc nói tiếng Pôlinêdiên cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn phức tạp về nguồn gốc và quá trình thiên di.
Mọi người biết rằng đến thế kỷ XVI thì người châu Âu mới lần đầu đến Thái Bình Dương. Trải qua 3 thế kỷ họ đã khám phá ra nhiều hòn đảo, nhưng đều thấy rằng những đảo có điều kiện cư trú đều đã có người sinh sống.
Ở châu Đại Dương, trong khi cư dân 3 quần đảo đều cùng thuộc một nhóm ngôn ngữ Mã Lai, về nhân học hình thể, người Mêlanêdiên và Micronêdiên thuộc tiểu chủng Oxtralôxit, còn người Polinêdiên lại thuộc tiểu chủng Nam Mônggôlôit. Nguồn gốc lịch sử và quá trình thiên di của người Pôlinêdiên là đề tài tranh luận khoa học mấy thế kỷ nay. Nói chung, có hai luận điểm chính về quá trình thiên di của người Pôlinêdiên. Quan điểm nguồn gốc châu Mỹ được một số nhà khoa học bảo vệ, trong đó nổi bật phải kể là nhà dân tộc học và khảo cổ học Na Uy tên là T.Heyerdahl. Để chứng minh cho thuyết lớp cư dân đầu tiên ở quần đảo Pôlinêdi là từ châu Mỹ sang, năm 1947 ông đã tổ chức một đoàn nghiên cứu, dùng các phương tiện di chuyển cổ truyền của thổ dân da đỏ, đi trên một chiếc bè từ Pêru sang Pôlinêdi (Heyerdahl, 1950). Năm 1969 và 1970, ông cũng bằng phương tiện thô sơ, dùng bè “Ra” đi từ châu Phi sang các đảo Trung Mỹ.
Để chứng minh cho thuyết này, người ta còn sử dụng cứ liệu về khoai lang (Impomoea batatas) là cây trồng có nguồn gốc Nam Mỹ. Người ta cho rằng sự hiện diện của khoai lang ở Pôlinêdi chứng tỏ rằng người Pôlinêdiên có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
Tuy nhiên, quan điểm nguồn gốc Châu Á của người Pôlinêdi là có sức thuyết phục hơn và được nhiều người tán đồng hơn.
GS.Trêbôcxarôp như trên đã nói, đã chứng minh rằng sự hình thành tiểu chủng Nam Mônggôlôit trên cơ sở hỗn chủng giữa đại chủng Mônggôlôit với đại chủng Nêgrô-Oxtralôit đã đặt cơ sở cho sự ra đời của cư dân Pôlinêdiên, là một nhóm loại hình của tiểu chủng Nam Mônggôlôit hay còn gọi là Thái Bình Dương.
Nhà nhân học Xô viết Rôghinxki khi viết về sự phân bố đầu tiên của cư dân Pô lin ê di, dựa vào tài liệu nhân học hình thể, cũng cho rằng nguồn gốc châu Á của thổ dân Pôlinêdi đã được sự đồng tình rộng rãi của giới khoa học (Rôghinxki, 1966).
Về mặt ngôn ngữ, người có công nêu lên quan điểm cho rằng người Pôlinêdiên thuộc ngữ hệ Mã Lai - Pôlinêdiên là nhà khoa học Đức W.Humbôn.
Dân tộc học cung cấp cho ta những cứ liệu có sức thuyết phục về nguồn gốc châu Á của người Pôlinêdi. Đó là cứ liệu về cây trồng và gia súc, gia cầm hiện nay của người Pôlinêdiên.
Theo ý kiến của Manfred Urban, lợn, gà và chó của người Pôlinêdi có nguồn gốc châu Á (Urban, 1962). Tuy cùng chung một quan điểm về nguồn gốc châu Á của người Pôlinêdiên, nhưng những người đồng quan điểm này lại có những kiến giải khác nhau về những vấn đề cụ thể.
Để đi đến kiến giải chung, người ta sử dụng kiến thức khoa học liên ngành: Nhân học hình thể, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân học văn hóa – xã hội, sinh học) động vật học, thực vật học, côn trùng học, môi trường địa lý v.v…) Người ta ứng dụng các kiến thức di biến cổ truyền của thổ dân (xem mặt trời, mặt trăng, sao, nhìn hướng gió, thủy triều, dòng nước, thậm chí tập quán các loại chim biển), đóng các loại phương tiện vận chuyển cổ truyền như bè kết bằng nguyên liệu tại chỗ (thân cây, dây mây v.v..). Các loại buồm và mái chèo truyền thống. Người ta đã tổ chức hàng trăm chuyến đi thực nghiệm trên biển v.v…
Có những vấn đề người ta đặt ra để tìm cách giải đáp như các chuyến đi có chủ trương, định hướng, đi rồi trở về nơi cũ, đi rồi không trở về, những chuyến cặp bờ một cách ngẫu nhiên, may rủi do bị tai nạn trên biển, gió sóng tạt vào bờ v.v…
Người ta tính rằng với kỹ thuật truyền thống, thổ dân không thể đi xa trên biển được, thường chỉ đi được 300-350 hải lý, vì kiến thức không bảo đảm đến được nơi định đến, và phương tiện vận chuyển không chịu được sóng gió lâu ngày trên biển. Vì vậy, có người đề xuất ý kiến lúc đầu ra một hòn đảo nào đó ở phía Tây, ở đó một thời gian rồi từng bước lần sang đảo phía đông. Nói chung, người ta tự đoán lúc đầu dừng lại ở tam giác nhỏ: Phigi - Samoa - Tonga, về sau mở rộng phạm vi thiên di ra tam giác rộng lớn, cực bắc là Ha-oai, cực Tây Nam là Tan Dêlăng, cực Đông Nam là Paxkhi.
Tổng kết công cuộc khảo sát công phu, lâu dài về nguồn gốc người Pôlinêdiê, K.P.Emory, năm 1959 nhận định như sau: “Ngày nay, có lẽ nghĩ đúng hơn cả là những người nguồn gốc khác nhau cùng một lúc đến được một trong các hòn đảo phía Tây của quần đảo Pôlinêdi vào khoảng 1500 năm trước CN. Ở đây trong điều kiện cô lập, hậu duệ của họ đã hình thành một số đặc điểm riêng biệt về tộc người, ngôn ngữ và văn hóa, mà ngày nay trở thành các yếu tố chung của tất cả người Pôlinêdiên. Những người Pôlinêdiên đầu tiên đó về sau thiên đi qua phía Đông đến quần đảo Tahiti. Ở đây, trong điều kiện bị cô lập, lại hình thành các hình thái ngôn ngữ và văn hóa của người Pôlinêdiên, mà về sau thiên di sang phía Đông đến đảo Paxkhi, về phía Nam đến đảo Tân Dêlăng, và phía Bắc đến đảo Ha-oai, họ đến các điểm cực này vào đầu thiên nhiên kỷ mới (Emory, 1959, tr.34).
Kết luận
Kết thúc bài nghiên cứu, có thể nêu lên mấy nhận xét tổng quát sau:
1. Các dân tộc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ xa xưa đến nay, không phải sống cô lập mà đá có những mối quan hệ, giao lưu từ rất sớm, từ hậu kỳ thời đại đá cũ, cách đây 4-5 vạn năm. Đây là một mối quan hệ nhiều mặt: Nhân chủng, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa. Mối quan hệ đó ngày càng được mở rộng và tăng cường, liên tục từ thời đại đá cũ, đá giữa, đá mới qua đồ đồng, đồ sắt cho đến hôm nay. Mối quan hệ đó diễn ra từ thời xã hội nguyên thủy và chuyển sang các xã hội có giai cấp,trải qua các hình thái kinh tế-xã hội của loài người. Có thể nói, các mối quan hệ ấy hiện nay trong khối APEC là đỉnh hợp tác từ xưa đến nay chưa bao giờ đạt đến.
Con đường giao lưu giữa các dân tộc trong khu vực đã diễn ra theo hai dạng: Một dạng theo hình tròn, chạy theo lòng chảo, từ bờ biển phía Tây sang bờ biển phía Đông của Thái Bình Dương; thời gian sau đó có thể tùy thời kỳ theo chiều ngược lại. Một dạng theo hướng đường thẳng xuyên Thái Bình Dương, từ Tây sang Đông và ngược lại, hoặc từ Bắc xuống Nam và ngược lại.
Nhìn hành tinh của chúng ta, ta thấy có hai đại dương quy mô rộng lớn, đó là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hai đại dương này đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của nhân loại. Nếu ta chia châu Á ra làm hai phần, thì một khối của quả đất bao gồm châu Phi, châu Âu và phần châu Âu của châu Á. Đây là khu vực phát huy tác dụng của Đại Tây Dương. Một khối khác của quả đất bao gồm châu Mỹ, châu Úc và phần còn lại của châu Á. Đây là khu vực phát huy tác dụng của Thái Bình Dương. Xét vai trò của hai đại dương ta thấy sự phát huy tác dụng của Thái Bình Dương sớm hơn và mạnh mẽ hơn Đại Tây Dương, nếu so sánh thì có thể ví với vai trò của Địa Trung Hải đối với châu Phi, châu Âu và phần châu Âu của châu Á.. Sức tỏa sáng của Thái Bình Dương đối với sự phát triển của thế giới ngày càng được phát huy mạnh mẽ, không phải hôm nay mà còn trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên, từ khi bước sang thế kỷ XXI không phải chỉ một số ít người dự đoán: thế kỷ XXI là thế kỷ của Thái Bình Dương.
2. Loài người từ xưa đến nay, trong quan hệ giữa người và người, do vấn đề lợi ích, nên không tránh khỏi xung đột, nhiều khi kéo dài và đẫm máu. Tuy nhiên, xung đột không phải là mặt chủ đạo, mà mặt chủ đạo là hòa bình, hữu nghị, và hợp tác. Đã có thời kỳ có người cho rằng dưới xã hội nguyên thủy, các bộ lạc này thường đặt các bộ lạc khác ra ngoài pháp luật (Hors la loi), nghĩa là có thể thẳng tay tàn sát. Đó là một quan điểm sai làm. Dân tộc học cho ta biết bao cứ liệu về tình hữu nghị giữa người và người, giữa bộ lạc và bộ lạc. Khi gặp nhau để nói lên mối thiện cảm, người ta mời nhau uống rượu, hút thuốc, ăn trầu, ôm nhau, ăn uống, nhảy múa. Nhà quý tộc Nga Miclu Maclai khi sang Tân Ghinê nghiên cứu Nhân học hình thể thổ dân Papou trong bút ký của mình đã viết rằng để biểu lộ lòng hiếu khách, thổ dân cho vợ hoặc con gái của mình ban đêm tiếp đón khách quý.
Sự giao lưu giữa các dân tộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho ta một ví dụ sinh động về tính nhân văn của con người.
3. Người ta thường nói non cao biển rộng là lực cản thiên nhiên đối với sự giao lưu của con người. Tìm hiểu sự giao lưu của các dân tộc trong khu vực từ hàng vạn năm cho đến ngày nay, ta có thể nói rằng biển rộng, đại dương cũng là con đường để giao lưu văn hóa-kinh tế. Vấn đề cản trở sự giao lưu xét đến cùng đâu phải non cao, bể rộng, mà chính là lòng người.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đề ra đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở, người Việt Nam muốn là bạn của tất cả các dân tộc trên thế giới chính là thể hiện khát vọng của dân tộc ta vượt qua tất cả khó khăn, trở ngại để được sống thịnh vượng trong một thế giới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tài liệu tham khảo
1. Aiđich, D.N.1959, Xã hội Inđônêxia và cách mạng Inđônêxia, Mạc tư khoa, tiếng Nga.
2. Arutiun ốp, S.A. (1966), “Các quan hệ cổ đại xuyên Thái Bình Dương - huyền thoại hay sự thật”, Tạp chí Dân tộc học Xô Viết, Số 4, Tiếng Nga.
3. Bênêdict, P.K. (1942), “Thái, Kađaianand Indonesia.
Phan Hữu Dật


No comments:

Post a Comment