Total Pageviews

11.3.13

QUY TẮC CƯ TRÚ TRONG HÔN NHÂN


Hình thái cư trú trong hôn nhân là một trong những vấn đề quan trọng của dân tộc học. Nội dung của vấn đề này là: sau khi kết hôn, hai vợ chồng mới cưới cùng nhau cư trú ở đâu, bên phía gia đình chồng hay bên phía gia đình vợ, hoặc ở nơi cư trú nào khác? Đây là nói đến nơi cư trú chung của những người khác giới để xây dựng gia đình để tế bào của xã hội thực hiện những chức năng của nó.
Hình thái cư trú trong hôn nhân đối với vấn đề hôn nhân và gia đình quan trọng tới mức các nhà nghiên cứu không thỏa mãn thuật ngữ hình thái cư trú và đã phải sử dụng thuật ngữ quy tắc cư trú trong hôn nhân (Tiếng Pháp : Règles de résidence ; tiếng Anh : Residence rules).
Quả vậy, hình thái cư trú trong hôn nhân không mang tính chất hình thức. Nó không phải nói lên một cách đơn giản nơi cưa trú của 2 vợ chồng mới cưới. Sự thật nó mang một ý nghĩa xã hội sâu sắc, là một thiết chế trong hôn nhân, được tập tục qui định mà mọi người phải tuân thủ, không ai được xem nhẹ, và tùy tiện làm theo ý kiến riêng của mình. Hình thái cư trú trong hôn nhân do tính chất của xã hội và tính chất của gia đình qui định. Nó quan hệ với việc tính huyết tộc (theo tử hệ), và cùng với tử hệ là những bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống thân tộc của xã hội loài người.
Tầm quan trọng của hình thái cư trú trong hôn nhân là ở chỗ qua nó ta thấy được trình độ phát triển xã hội, hình thái hôn nhân và gia đình của đôi vợ chồng mới cưới. Ví dụ : Nếu là trường hợp hôn nhân vợ cư trú bên chồng, ta có thể đoán định xã hội của đôi vợ chồng mới cưới là xã hội phụ quyền và gia đình của họ là gia đình phụ quyền (tiểu gia đình hay đại gia đình). Nếu đó là trường hợp hôn nhân chồng cư trú bên vợ thì đó là xã hội và gia đình mẫu quyền. Cuộc sống loài người tuy theo quy luật phát triển chung nhưng phong phú đa dạng. Về mối quan hệ giữa hình thái cư trú trong hôn nhân và việc tính huyết thống, theo nhà Dân tộc học Pháp Levi-Strauss, có những trường hợp hài hòa, tương đồng (như hôn nhân cư trú bên vợ, tính huyết thống theo dòng mẹ và hôn nhân cư trú bên chồng, tính huyết thống theo dòng bố, nhưng cũng có trường hợp không hài hòa, không tương đồng ( như hôn nhân cư trú bên vợ, tính huyết thống theo dòng bố và hôn nhân cư trú bên chồng tính huyết tộc theo dòng mẹ).
Vấn đề càng lý thú hơn là qua hình thái cư trú trong hôn nhân có khi ta không chỉ thấy được tính xã hội của cặp vợ chồng đang sống mà còn thấy được tàn dư của một giai đoạn xã hội đã qua, hiên còn bảo lưu trong xã hội ngày nay của cặp vợ chồng. Ví dụ : Nếu ở một dân tộc nào đó, tồn tại hình thái cư trú luân phiên, nghĩa là sau khi cưới hỏi đôi vợ chồng cư trú sang phía vợ một thời gian theo luật tục, sau đó họ mới chuyển sang cư trú bên chồng hoặc trái lại, và cứ như vậy mà luân phiên, hoặc tồn tại hình thái cư trú sau hôn nhân theo sự thỏa thuận của đôi vợ chồng và gia đình của họ (cư trú bên chồng hoặc vợ), ở đây ta thấy dấu vết của sự chuyển tiếp từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền, cũng như dấu vết của sự chuyển tiếp từ hôn nhân cư trú bên vợ sang hôn nhân cư trú bên chồng. Hoặc giã với hình thái cư trú bên ông cậu của người chồng, nghĩa là sau khi cưới đôi vợ chồng mới cưới chuyển đến cư trú bên ông cậu (anh em trai của mẹ) của người chồng, ta có thể thấy xã hội của họ là xã hội phụ quyền nhưng còn mang tàn dư của chế độ mẫu quyền, ở đây là tập tục cữu phụ (avunculat).
Dân tộc học từ trước đến nay đã có quan tâm nghiên cứu về vấn đề này. Tuy sự quan tâm còn chưa tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề, nhưng cũng có ít nhiều công trình có giá trị. Ta có thể kể các công trình của A.Alland, của P. Bohannan, của J.L.Fischer, của W. H. Goodenough, của G. P. Murdock, của C.Levi-Strauss, của R.Fox, của J. Guiart .v.v.
Điểm qua lịch sử nghiên cứu vấn đề, ta thấy rõ các hình thức cư trú trong hôn nhân của các dân tộc trên thế giới còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có vấn đề cho tới nay vẫn còn nằm trong giả thuyết. Ví dụ như trường hợp hình thái cư trú bên cô (chị em gái của bố) của vợ. Thuật ngữ này theo tiếng Pháp là Résidence amitalocale (Tiếng Latinh amita-ae của vợ là cô, chị em gái của bố). Những người đầu tiên đặt ra thuật ngữ là R.M Lowie và G.P Murdork, theo mẫu Résidence avun-culcale, hôn nhân cư trú bên cậu (anh em trai của mẹ) chồng. Nội dung của hình thái cư trú bên cô của vợ là sau lễ cưới, đôi vợ chồng chuyển đến cư trú trong nhà, hoặc một nơi trên mảnh đất gần nhà của chị em gái của bố vợ. Hình thái cư trú này cho tới nay vẫn nằm trong phạm vi lý thuyết. Dân tộc học thế giới cho đến nay vẫn chưa tìm được một dẫn chứng nào cụ thể, có sức thuyết phục về hình thái cư trú này.
Cũng có trường hợp một hình thái hôn nhân nào đó rất hiếm hoi. Đó là hình thái hôn nhân hai nơi cư trú, (tiếng Pháp là Résidence duolocale). Đây là trường hợp hiếm hoi của người Nayar ở miền Tây Nam Ấn Độ, ở bờ biển Malabar. Trong xã hội Nayar con trai đến tuổi trưởng thành phải nhập ngũ, hết thời hạn quân ngũ trở về cư trú nơi mình sinh ra, còn con gái, đàn bà, trong khi chồng ở quân ngũ thì phục vụ trong các gia đình giáo sĩ Bà La Môn, vẫn gắn bó với nơi mình sinh ra, khi hết thời gian phục vụ thì trở về nhà bố mẹ đẻ mình. Hình thái cư trú hai nơi này cũng là nguyên nhân làm cho đời sống vợ chồng không được bền vững.
Căn cứ tình hình khoa học ngày nay về các hình thái cư trú trong hôn nhân, ta có thể nhận xét rằng : loài người từ trước nay có 3 hình thái cư trú trong hôn nhân chủ yếu, đó là các hình thái hôn nhân cư trú bên vợ; hôn nhân cư trú bên chồng và hôn nhân có nơi cư trú mới. Trong ba hình thái cư trú trong hôn nhân đó, hình thái cư trú bên vợ chính xác hơn, bên mẹ vợ (tiếng Pháp Résidence matrilocale) là hình thái cư trú nói chung tương ứng với thời kỳ mẫu quyền, mẫu hệ, một thời kỳmà  hiện nay là phần lớn loài người đã trải qua  và đó đây còn giữ lại dưới dạng tàn dư, còn hình thái cư trú bên chồng, chinh xác hơn, bên bố chồng (tiếng Pháp Résidence patrilocale) là hình thái cư trú ở đại bộ phận của xã hội loài người, sống trong thời kỳ phụ quyền và phụ hệ. Còn hình thái cư trú mới trong hôn nhân (tiếng Pháp Résidence néolocale) tức là sau hôn nhân, đôi vợ chồng không cư trú bên phía vợ, cũng không cư trú bên phía chồng, mà xây dựng nơi cư trú mới ở chung và riêng biệt, có khi nơi ở cách rất xa nơi ở của gia đình chồng và gia đình vợ. Đây là hình thái trong hôn nhân ngày càng được phổ biến và mở rộng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa các quốc gia trên thế giới.
Ngoài 3 hình thái cu trú chủ yếu nói trên, Dân tộc học trên thế giới còn cho ta một số hình thái cư trú trong hôn nhân có tính chất quá độ và trung gian nữa.
Căn cứ các tài liệu khoa học về vấn đề này , ta có thể nêu các hình thái cư trú trong hôn nhân như sau :
1. Hôn nhân cư trú hai nơi, hoặc vợ chồng sau hôn lễ, tiếp tục cư trú riêng rẽ, mỗi người một nơi, tại nơi mình đã sinh ra (tiếng Pháp Résidence duolocale hay còn gọi là natolo-cale). Ví dụ : người Nayar
2. Hôn nhân cư trú trong nhà mẹ vợ (tiếng Pháp Résidence matrilocale), với nội dung là sau hôn lễ chồng sang cư trú với vợ, trong nhà mẹ vợ. Đây là trường hợp của người Irôqua thổ dân Bắc Mỹ trước kia, nay là người Menangkabau ở Inđônêxia và người Ashanti ở Châu Phi.
3. Hôn nhân cư trú trong một nhà dựng trên mảnh đất gần nhà mẹ vợ (tiếng Pháp Résidence avunculocale, hoặc Résidence uxurilocale, hoặc Résidence matri-uxurilocale). Theo hình thái cư trú này, sau hôn lễ chồng chuyển sang cư trú bên vợ, trong một nhà trên mảnh đất gần nhà mẹ vợ.
4. Hôn nhân cư trú bên cậu (anh em trai của mẹ chồng),(tiếng Pháp Résidence avunculocale, hoặc Résidence viri – avun – culocale hay Résidence avuncu – virilocale). Sau khi kết hôn hai vợ chồng mới cưới đến cùng cư trú bên phía anh em trai của mẹ chồng, tức là cậu của cậu chồng. Ví dụ về trường hợp này là cư dân đảo Trobriand thuộc quần đảo Mêlannêdi.
5. Hôn nhân lúc đầu cư trú bên vợ, sau một thời gian mới chuyển hẳn, vĩnh viễn sang cư trú bên chồng. (Tiếng Pháp Résidence matri- patrilocale). Theo hình thái cư trú này, sau hôn lễ, đôi vợ chồng mới cưới lúc đầu ở nhà bố mẹ đẻ của vợ, sau một thời gian quy định theo tập tục, hai vợ chồng (và con cái nếu có) mới chuyển hẳn sang cư trú bên phía chồng.
6. Hôn nhân cư trú trong nhà bố chồng (tiếng Pháp Résidence patrilocale). Sau khi kết hôn, hai vợ chồng mới cưới cư trú trong nhà bố mẹ chồng. Đây là hình thái cư trú phổ biến của xã hội phụ quyền. Ví dụ người Hy Lạp và người La Mã thời cổ đại, người Nga, người Hà lan, Người Hán…
7. Hôn nhân cư trú trong một nhà trên mảnh đất hoặc gần nhà bố mẹ chồng. (Tiếng Pháp Résidence virilocale, hoặc Résidence patri-virilocale). Theo hình thái cư trú này sau hôn lễ hai vợ chồng đến cư trú trong một nhà, trên mảnh đất hoặc gần nhà của bộ mẹ chồng.
8. Hôn nhân cư trú bên cô (chị em gái của bố) của vợ ( tiếng Pháp Résidence amitalocale). Như đã nói ở trên, dây là giả thiết khao học, hoàn toàn trên lĩnh vực lý thuyết, chưa tìm ra được dẫn chứng cụ thể.
9. Hôn nhân cư trú bên vợ hay bên chồng là do sự thỏa thuận (tiếng Pháp Résidence bilocale hay ambilocale). Nội dung như sau : sau khi kết hôn, hai vợ chồng thỏa thuận với nhau về nơi cư trú chung, hoặc là bên vợ hoặc là bên chồng. Sự lựa chọn này là do sở thích của cặp vợ chồng, nhưng thường thường nhân tố quyết định sự lựa chọn nơi cư trú là địa vị xã hội, sự giàu có của gia đình ben này bên kia. Cũng có khi là do sự thuận tiện (Dẫn chứng về trường hợp này là cư dân đảo Gilbert ở Thái Bình Dương.
10. Hôn nhân cư trú luân phiên (tiếng Pháp Résidence alternée). Sau hôn lễ đôi vợ chồng mới cưới chọn nơi cư trú, ví dụ bên vợ, sau một thời gian nhất định, chẳng hạn một năm theo luật tục quy định, thì đôi vợ chồng (cả con cái nếu có), chuyển sang cư trú bên chồng. Sau một năm thì lại về cư trú bên vợ. Cứ như thế luân phiên nhau. Cư dân thuộc quần đảo Mêlanêđi, Tây Thái Bình Dương, cho ta ví dụ rõ ràng và cụ thể về hình thái cư trú này trong hôn nhân.
11. Hôn nhân với nơi cư trú mới (tiếng Pháp Résidence néolocale). Nội dung là: đôi vợ chồng sau khi kết hôn, không có nơi cư trú bên chồng, cũng không có nơi cư trú bên vợ, mà chọn nơi cư trú hoàn toàn mới có khi cách rất xa nơi cư trú của gia đình hai bên. Đây là trường hợp cư trú của cư dân hiện đại ở các đô thị, thành phố v.v…
Ngoài ra trong các công trình nghiên cứu liên quan đến hình thái cư trú trong hôn nhân, ta thấy có khi bắt gặp một số thuật ngữ, khái niệm chưa rõ ràng, cần phải tiếp tục nghiên cứu mói xác định chính xác được, ví dụ như thuật ngư : Co- résidence, unilocale, dislocat, plurilocat…
Điểm qua các công trình nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam thời gian qua, ta thấy có sự quan tâm đến các hình thái cư trú trong hôn nhân. Nhưng cho đến nay vẫn còn chưa thấy một công trình nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện và có hệ thống, chưa có một công trình nào từ việc nghiên cứu các hình thái cư trú trong hôn nhân nói về mối quan hệ giữa hình thái cư trú trong hôn nhân với việc tính tử hệ (theo huyết thống), giữa hình thái cư trú trong hôn nhân với hệ thống thân tộc, giữa hình thái cư trú trong hôn nhân nói về mối quan hệ giữa hình thái cư trú trong hôn nhân với hình thái xã hội, chưa từ vấn đề đó để nói về đặc điểm văn hóa tộc người v.v… Tuy vậy trong nhiều công trình nghiên cứu Dân tộc học ở nước ta, từ các sách đến các bài báo, đặc biệt khi giới thiệu đời sống mọi mặt của từng dân tộc cụ thể ở nước ta, đều có nói đến các hình thái cư trú trong hôn nhân. Tiêu biểu nhất là công trình “Les ethnies minoritaires du Việt Nam” của tập thể tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Chu thái Sơn, Lưu Hùng mặc dù trong đó khi viết về một số dân tộc như Thổ, Xơ-Đăng, Mảng, Cơ – Tu, Tà-Ôi, Nùng, Giấy, Lào, Lự, La Chí, Cơ Lao, Pu Péo, các tác giả đều không đề cập đến hình thái cư trú trong hôn nhân, còn đại bộ phận các dân tộc nước ta thì vấn đề này có được quan tâm đến. Công trình nói trên đã cung cấp cho ta những tài liệu rất tốt để tìm hiểu các hình thái cư trú trong hôn nhân của các dân tộc nước ta.
Điểm đầu tiên và tổng quát có thể nhận xét là các dân tộc ở nước ta cũng có 3 hình thái cư trú trong hôn nhân chủ yếu như các dân tộc trên thế giới. Sự tương đồng giữa các dân tộc nước ta và các dân tộc trên thế giới không chỉ thể hiện ở các hình thái chủ yếu cư trú trong hôn nhân, mà còn giống nhau ở vị trí lịch sử của từng hình thái chủ yếu cư trú trong hôn nhân mà còn giống nhau ở vị trí lịch sử của từng hình thái đó và xu thế phát triển trong tương lai của chúng. Các dân tộc nước ta cũng có một số hình thái có tính chất quá độ hay trung gian về cư trú trong hôn nhân, cố nhiên các hình thái quá độ này không hoàn toàn giống hình thái quá độ của các dân tộc trên thế giới. Điều này nói lên rằng, so với các dân tộc trên thế giới về hình thái cư trú trong hôn nhân, ta có những nét chung, đồng thời có những nét riêng, có tính chất đặc thù. Như vậy một lần nữa, tài liệu về quy tắc cư trú trong hôn nhân cho ta thấy sự thống nhất trong đa dạng của sự phát triển văn hóa nhân loại. Nó cung cấp cho ta thêm cứ liệu khoa học để bác bỏ mọi biểu hiện của học thuyết phân biệt chủng tộc.
Trong khi tìm hiểu các hình thái cư trú trong hôn nhân của các dân tộc ở nước ta, có một vấn đề cần xem xét thêm. Đó là tục ở rể ở một số dân tộc nước ta. Ví dụ các dân tộc Thái, Kháng, Xinh Mun, Cống, Lự, v.v…Tập tục ở rể có phải là tàn dư của chế độ mẫu hệ trước kia trong chế độ phụ hệ sau này không? Việc ở rể (nghĩa là sau khi kết hôn, người chồng sang ở nhà người vợ một thời gian) và lao động cho gia đình vợ để đền bù cho gia đình vợ sự tổn thất một nhân công lao động, do phải gả con gái đi lấy chồng) có phải đây là hình thái cư trú hôn nhân bên phía vợ không? Tôi nghĩ về hình thức là như vậy, còn thực chất thì không. Hình thái cư trú trong hôn nhân là một điều bắt buộc không miễn trừ bất kỳ ai. Đằng này chế độ ở rể thời gian ngắn dài có thể tùy tiện rút bớt, thậm chí thơi gian gần đây đối với tầng lớp trên có của, không hiếm trường hợp tải nộp tiền cho nhà gái để không thực hiện chế độ ở rể, lao động cực nhọc không công cho nhà vợ.
Sau đây là một số hình thái cư trú trong hôn nhân của một số dân tộc nước ta.
1. Hình thái cư trú hai nơi. Cho đến nay tài liệu điền đã dân tộc học chưa cung cấp được cứ liệu nào về hình thái cư trú này. Theo nhà Dân tộc học Cầm Trọng, trong huyền thoại của người Thái Tây Bắc nước ta, có nói đến hai mường. Mường đàn ông ở trên, Mường đàn bà ở dưới. Có lẽ đây là hình ảnh xa xăm của hình thái cư trú hai nơi trong hôn nhân chăng? Theo tôi nghĩ, nếu hình thái cư trú này có thật trong lịch sử loài người, đây là hình thái cổ xưa nhất, có thể là hình thái xuất phát điểm, đầu tiên trong lịch sử phát triển các hình thái cư trú trong hôn nhân của loài người.
2. Hôn nhân cư trú bên phía vợ, cụ thể trong cùng một nhà với mẹ vợ có thể nói các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở miền Nam nước ta như Gia Rai, Ê-Đê, Chăm, Ra Glai, Chu Ru và một số dân tộc khác như Cơ Ho, Chơ Ro v.v… đều có hình thái cư trú này trong hôn nhân.
3. Hôn nhân cư trú bên phía vợ, cụ thể trong một nhà, trên mảnh đất, hoặc gần nhà của mẹ vợ.
Có thể nghĩ rằng một số dân tộc ở nước ta có hình thái cư trú này trong hôn nhân. Nhưng vì không chú ý đến sự phân loại này, nên các nhà nghiên cứu nước ta chỉ đề cập đến hình thái cư trú bên vợ nói chung mà thôi. Tuy vậy ta cũng có một dẫn chứng cụ thể. Đó là trường hợp nhiều người Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long, có tập tục cư trú bên vợ, sau ít năm hoặc có con thì ra ở riêng, nhưng vẫn ở bên phía vợ cụ thể là “cất nhà ở sát ngay bên cạnh nhà bố mẹ vợ trong cùng một phum”.
4. Hôn nhân cư trú bên cậu (anh em trai cua mẹ) của chồng. Tài liệu  Dân tộc học hiện nay chưa có dẫn chứng về hình thái cư trú này trong hôn nhân. Nhưng theo nhà Dân tộc học Cầm Trọng, người Thái Tây Bắc nước ta trước đây, và hiện nay người Thái Đen ở Bình Lư, Phong Thổ, Lai Châu có hiện tượng này. Dấu vết của hình thái cư trú này ta có thể tìm thấy trong bản tình ca “Sống chụ xôn xao” của người Thái.
5. Hôn nhân cư trú lúc đầu là bên vợ sau một thời gian nhất định theo luật tục quy định, mới chuyển sang hẳn cư trú bên chồng. Dân tộc Nùng nước ta cho ta ví dụ sinh động về hình thái này. Người Nùng có tập tục cô dâu sau khi về nhà chồng một thời gian, trở lại nhà bố mẹ đẻ của mình, ở lại đó cho đến khi sắp sinh con đầu lòng mới chuyển hẳn sang ở nhà chồng. Một bộ phận người Tày ở Bắc Quang (Hà Giang) cũng có tập tục này.
6. Hôn nhân cư trú bên chồng, cụ thể trong cùng một nhà với bố chồng. Tài liệu dân tộc học Việt Nam cung cấp cho ta nhiều tài liệu về hình thái này. Nói chung, các dân tộc theo chế độ xã hội phụ quyền, với sự tồn tại của gia đình phụ quyền (tiểu gia đình hay đại gia đình dưới dạng tàn dư) đều có hình thái cư trú này. Đó là trường hợp các dân tộc Việt, Mường, Chứt, Xtiêng, Vân Kiều, Khơ Mú, Mạ, Co Ơ Đu, Brâu, Thái, Sán Chay, Bố Y, Hmông, Dao, Pà Thẻn, Hán, Sán Dìu, Ngái, Phù Lá, Lô Lô , Si La v.v…
7.Hôn nhân cư trú bên chồng, cụ thể trên mảnh đất hoặc gần nhà của bố chồng. Cũng như hình thái hôn nhân cư trú trong một nhà gần nhà của mẹ vợ, hình thái hôn nhân cư trú trong một nhà gần của bố chồng, chưa được các nhà nghiên cứu nước ta nêu lên, nhưng chắc chắn không phải là không có, mà chỉ vì chưa chú ý đến sự phân loại này mà thôi.
8. Hôn nhân cư trú bên cô ( chị em gái của bố) của vợ. Cũng như đối với Dân tộc học trên thế giới, Dân tộc học Việt Nam chưa có dẫn chứng nào về hình thái cư trú này trong hôn nhân.
9.  Hôn nhân cư trú bên vợ hay bên chồng là do sự thỏa thuận của đôi chồng mới và gia đình hai bên.  Đôi khi sự thuận tiện, thuận lợi, hoặc địa vị, tài sản của gia đình chồng hay vợ là yếu tố quyết định nơi cư trú. Tại liệu Dân tộc học Việt Nam cho ta các dẫn chứng về hình thái cư trú này ở người Ba Na, ở người Giẻ Triêng, ở người Hrê, Xơ Đăng …
10. Hôn nhân cư trú luân phiên - Tài liệu Dân tộc học Việt Nam cung cấp cho ta rất ít hình thái cư trú này. Theo Đặng Nghiêm Vạn ở người Xơ Đăng “thông thường cặp vợ chồng cư trú bên nhà trai một thời gian rồi chuyển sang nhà gái, và trình tự đó cứ tiếp tục. Thời hạn ở mỗi bên thường là ba đến năm năm”. Theo nhà Dân tộc học Cầm Trọng một bộ phận người Gia-Rai nhóm Hdrung ở gần Plâyku có tập tục trước khi sinh con đầu lòng thì vợ chồng cư trú luân phiên sau một năm thì đổi chỗ. Khi sinh con người Gia-Rai cư trú hẳn bên vợ.
11. Hôn nhân với nơi cư trú mới  Tài liệu dân tộc học nước ta cung cấp cho ta một số tài liệu về sự ra ở riêng của cặp vợ chồng cùng con cái của họ, sau một thời gian ở chung hoặc ở với gia đình bên vợ, hoặc với gia đình bên chồng.
Người Chơ Ro sau khi cưới xin, chông cư trú bên vợ, sau một thời gian ở rỗi ra ở riêng. Người Khơ Me Nam Bộ như đã nói ở trên, sau cưới, chồng cư trú bên vợ, sau ít năm hoặc sau khi có con thì ra ở riêng v.v… Đối với cư dân sống ở các đô thị, thành phố hiện nay, nói riêng với cán bộ nhân viên các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể cách mạng, các doanh nghiệp, v.v… thì sau khi thành lập gia đình, không hiếm các trường hợp không cư trú bên vợ, cũng không cư trú bên chồng mà chọn nơi cư trú, riêng biệt, có khi cách rất xa nhà của bố mẹ 2 bên.
Với bài nghiên cứu này, chúng tôi không có tham vọng nêu nên một cách toàn diện, có hệ thống, và đầy đủ về các hình thái cư trú trong hôn nhân, mà chỉ có một mong muốn là gợi mở vấn đề này. Nước ta là quốc gia đa dân tộc, văn hóa các dân tộc nước ta phong phú và đa dạng. Biết đâu sau này với tài liệu về quy tắc cư trú trong hôn nhân, ta có nhiều phát hiện mới, giúp cho hiểu biết thêm bản sắc văn hóa dân tộc, và qua đó cung cấp cho Dân tộc hộc thế giới nhiều tài liệu quý giá và hấp dẫn.
QUY TẮC CƯ TRÚ TRONG HÔN NHÂN
(TIẾNG PHÁP RÈGLES DE RÉSIDENCE)
TT
Hình thái cư trú
Tiếng Pháp
Nội dung
Dẫn chứng
1
Hôn nhân cư trú hai nơi hoặc hôn nhân mà hai vợ chồng tiếp tục cư trú nơi mình sinh ra
Duolocale
Natolocale
Sau hôn lễ, vợ chồng không thiết lập một nơi cư trú chung mà mỗi người tiếp tục ở với bố mẹ đẻ mình, ở nơi mình sinh ra.
Người Nayar, người Nùng và một bộ phận người Hán trước khi sinh con đầu lòng
2
Hôn nhân cư trú bên vợ (trong một nhà với mẹ vợ)
Matrilocale
Sau hôn lễ, đôi vợ chồng mới cưới cư trú trong nhà của mẹ đẻ của vợ
Iroqua,Menang-
Kabau, người Gia Rai, Ê-Đê,Cơ Ho, Chơ Ro v.v
3
Hôn nhân cư trú bên vợ (trong một nhà gần của mẹ vợ)
Uxurilocale hoặc matri-
uxurilocale
Sau hôn lễ, đôi vợ chồng mới, cư trú trong một nhà gần nhà của mẹ đẻ của vợ
Người Khơme, Đồng bằng sông Cửu Long
4
Hôn nhân cư trú bên cậu của chồng
Avunculocale hoặc viri avunculocale hay avuncu Virilocale
Sau hôn lễ, đôi vợ chồng đến cư trú bên phía cậu (anh em trai của mẹ) của chồng
Cư dân đảo Trobriand người Thái đen tây bắc Việt Nam
5
Hôn nhân cư trú lúc đầu bên vợ, sau một thời gian mới chuyển về cư trú bên chồng
Matri - patrilocale
Sau hôn lễ, lúc đầu hai vợ chồng cư trú bên phía vợ, sau một thời gian mới chuyển hẳn và vĩnh viễn cư trú bên chồng
Người Nùng Việt Nam một bộ phận người Tày
6
Hôn nhân cư trú bên chồng (trong một nhà với bố chồng)
Patrilocale
Sau hôn lễ hai vợ chồng cư trú trong nhà của bố đẻ của chồng
Người Hy Lạp, La Mã, thời cổ đại, người Nga, Hán, Kinh, Vân Kiều, Hmông, Dao, Thái v.v
7
Hôn nhân cư trú bên chồng (trong một nhà gần nhà của bố chồng)
Virilocale hay patri Virilocale
Sau hôn lễ hai vợ chồng cư trú trong một nhàgần nhà của bố mẹ đẻ của chồng
Người Việt
8
Hôn nhân cư trú bên cô của vợ
Amitalocale
Sau hôn lễ, hai vợ chồng cư trú bên phía cô (chị em gái của bố) của vợ
Không có
9
Hôn nhân cư trú do thỏa thuận
Bilocale hay Amibilocale
Sau hôn lễ hai vợ chồng cư trú bên nào (bên vợ hay bên chồng) là do sự thỏa thuận, sự thuận lợi thường là do yếu tố tài sản, địa vị xã hội của bên trội hơn quyết định 
Cư dân đảo Gilbert, người Ba Na , Hrê, Giẻ Triêng, Xơ Đăng
10
Hôn nhân cư trú luân phiên
Alterneé
Sau hôn lễ vợ chồng cư trú luân phiên, ví dụ bên vợ một thời gian rồi sang cư trú bên chồng. Hết thời gian quy định lại chuyển về cư trú bên vợ
Cư dân đảo Đôbu, một bộ phận người Gia Rai trước khi sinh con đầu lòng
11
Hôn nhân với cư trú mới
Néolocale
Sau hôn lễ, hai vợ chồng không cư trú bên vợ, cũng không cư trú bên chồng, mà cư trú ở một nơi mới có khi cách xa gia đình hai bên
Người Việt


No comments:

Post a Comment