Total Pageviews

11.3.13

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN


1. Lâu nay trên sách báo và trong cuộc sống hàng ngày, ta thường dùng các thuận ngữ tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc tôn giáo-tín ngưỡng hay trái lại. Cố nhiên hai thuật ngữ này có nội dung gần gũi với nhau. Đó là niềm tin dù đó là tin vào lực lượng siêu nhiên một cách chất phác mộc mạc, hay tin vào Đấng Cứu Thế. Nhưng tôi nghĩ là không thể đồng nhất chúng với nhau được và cho rằng tín ngưỡng phát triển đến một mức nào đó mới thành tôn giáo. Ở cấp độ tín ngưỡng chưa xuất hiện diện thần (hệ thống thần linh, panthéon), chưa có hệ thống giáo lý, chưa có tầng lớp tăng lữ (thày cúng), chưa có việc xây dựng đền miếu cố định để thờ cúng như sau này đối với tôn giáo dân tộc, tôn giáo khu vực và tôn giáo thế giới.
Thuật ngữ tiếng Việt
Tiếng Pháp
Tôn giáo
Tín ngưỡng
Tín ngưỡng dân gian
Mê tín dị đoan
Religion
Croyance religieuse
Croyance populaire
Superstition
2. Cũng lâu nay ở các nước xã hội chủ nghĩa (như Liên Xô trước đây) và ở Việt Nam ta, khi nói đến tôn giáo và tín ngưỡng, câu nói nổi tiếng sau đây của Các Mác thường hay được nhắc đến: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, trích trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê ghen, viết vào cuối năm 1843, tháng 1-1844, cách đây 150 năm. Việc hiểu câu nói của Các Mác không đúng, đã dẫn đến những việc làm không phù hợp, thể hiện trong cách xử lý đối với các nơi thờ cúng (chùa chiền, đền, miếu, đình, v.v..), đối với tầng lớp thầy cũng và dụng cụ hành nghề của họ v.v… Đừng nói gì xa, năm 1975 vẫn còn quyết định cấm tổ chức lễ hội phủ Giầy, vì cho đây là mê tín dị đoan. Do nhận thức (chưa thật chính xác về tôn giáo, đối lập giữa tôn giáo và cách mạng) nên đôi khi dẫn đến thái độ hẹp hòi, thành kiến phân biệt đối xử với đồng bào có đạo. Kết quả là có sự mặc cảm, thiếu tin cậy lẫn nhau giữa những người có đạo và người không có đạo v.v…
Những nhận thức và việc làm nói trên, mâu thuẫn với một thực tế khác, và không giải thích được cái hiện tượng sau đây: người khai mạc phiên họp đầu tiên, của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, là một giáo dân, cụ Ngô Tử Hạ; một trong những vị trong ban Thường trực Quốc hội nước ta trước đây là linh mục Phạm Bá Trực. Anh hùng nông nghiệp đầu tiên của nước ta là cụ Hoàng Hanh, giáo dân Nghệ An. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua trong khi có những người theo địch như Lê Hữu Từ, thì có biết bao nhiêu tín đồ công giáo đã góp phần mồ hôi và xương máu. Phong trào Phật tử xuống đường, tự thiêu để chống Mỹ ngụy đã nói lên rằng đồng bào có thể làm tốt việc đạo, đồng thời có thể làm tốt việc đời. Nhìn ra thế giới, ta cũng thấy rằng trong Quốc tế của các người lao động do Các Mác thành lập, có nhiều người Kitô giáo đã tranh đấu và đã anh dũng hy sinh v.v…
Nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã được đổi mới trong quá trình đổi mới đất nước. Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã ghi rõ: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo”.
Từ Nghị quyết của Đảng, chúng ta phải rà soát lại một loạt vấn đề. Trước hết phải rà soát lại nhận thức tư tưởng. Mấu chốt là phải hiểu cho thật đúng câu nói của Các Mác. Muốn vậy không thể chỉ trích dẫn một câu, tách nó ra riêng lẻ, mà phải đặt nó trong toàn bộ công trình và thời điểm Các Mác viết tác phẩm nói trên.
Đặt tác phẩm nói trên trong toàn bộ cuộc đời của Mác viết không lâu trước “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, nghĩa là trong bối cảnh Mác và Ănghen đặt thành nhiệm vụ giai cấp công nhân phải làm cách mạng để lật đổ Nhà nước tư sản, thay thế nó bằng một Nhà nước tiến bộ hơn không có người bóc lột người. Trong tác phẩm có câu trích dẫn trên, Mác đặt vấn đề tôn giáo trong mối quan hệ Nhà nước pháp quyền tư sản. Mác viết: “ Căn cứ vào sự phê phán chống tôn giáo là: con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người… Con người chính là thế giới con người, là Nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo. Tôn giáo là lý luận chung của thế giới ấy, là sự chuẩn y về mặt đạo đức của nó, là căn cứ phổ biến mà nó dựa vào để an ủi, để biện hộ. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Xóa bỏ tôn giáo là xóa bỏ hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân. Do đó, việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là một vòng hào quang thần thánh của nó… Như vậy phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị. Đối với nước Đức việc phê phán tôn giáo là tiên đề của mọi sự phê phán khác, tức sự lật đổ chế độ tư bản. Như vậy Mác không nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân nói chung, mà chừng nào nó phục vụ giai cấp thống trị của mình, chống lại cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, vì một xã hội mới tốt đẹp hơn.
Để hiểu đúng câu nói của Các Mác, tôi nghĩ những ý kiến của Fidel Castro có thể rất bổ ích cho chúng ta. Những ý kiến nảy rút ra trong quyển sách “Fidel và tôn giáo” của linh mục người Brésil Frei Betto, nó là kết quả cuộc phỏng vấn Fidel Castro kéo dài 23 giờ, năm 1985 của Frei Betto. Fidel nói: “Từ cái lúc mà người ta lợi dụng tôn giáo như công cụ thống tị, thì điều hợp lý hơn cả là những người cách mạng có phản ứng chống các giáo sỹ, thậm chí chống tôn giáo. Và tôi hiểu đầy đủ hoàn cảnh trong đó đã xuất hiện câu này… Thế có nghĩa rằng đó là một câu, một khẩu hiệu có giá trị lịch sử và tuyệt đối đúng trong một thời kỳ nhất định… Trong bất cứ nước nào mà hàng giáo, phẩm của công giáo hay bất cứ giáo hội nào khác, cấu kết với đế quốc, thực dân kiểu mới với sự bóc lột nhân dân. Và con người, với sự đàn áp, thì không có gì phải ngạc nhiên về sự kiện trong một nước cụ thể có ai đó lặp lại câu tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Vậy như tôi hiểu, câu này không hề có, mà cũng không thể có. Tính chất một giáo điều hay một chân lý tuyệt đối, đó là một chân lý được thích ứng với những điều kiện lịch sử nhất định và cụ thể. Tôi tin rằng kết luận như thế là hết sức biện chứng và hoàn toàn mắc xít. Theo ý kiến tôi, xét từ quan điểm chính trị, tôn giáo tự nó không phải là thuốc phiện, hoặc một phương thuốc diệu kỳ tùy theo người ta dùng nó hay ứng dụng nó để bênh vực những kẻ áp bức, những kẻ bóc lột hoặc những người bị áp bức và bị bóc lột, tùy theo cái cách người ta đề cập đến những vấn đề chính trị, xã hội hay vật chất của con người, sinh ra và phải sống trên đời này, không lệ thuộc vào thần học và niềm tin tôn giáo” (1).
Dưới ánh sáng của quan điểm mới của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, ta cũng phải xem lại để hiểu đúng hơn câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi người gửi thư cho đồng bào theo đạo Thiên chúa nhân ngày lễ Noel hàng năm trước đây, trong đó người chúc đồng bào làm tốt cả việc đạo, việc đời, vừa kính Chúa vừa yêu nước. Đó là lời chúc chân thành, và không có sự đối lập giữa việc đạo và việc đời. Đối với Fidel  Castro, ta cũng thấy như vậy. Mọi người đều biết, trước khi làm cách mạng, Fidel đã từng học trường Công giáo thuộc dòng Tên. Fidel có viết: “Tôi không ở trong giáo hội nữa, nhưng tôi vẫn nắm được những nguyên tắc này đem lại cho tôi niềm hy vọng được cứu độ, bởi vì cách mạng thực thi những nguyên tắc đó (cố nhiên bằng phương pháp khác) khi đuổi những những kẻ giàu có về tay trắng và cung cấp cơm bánh cho kẻ đói nghèo...”(1).
3. Việc xác định lại nhận thức của chúng ta về câu nói của Mác không làm cho chúng ta một chút nào lung lay trong lập trường quan điểm của chúng ta về tôn giáo - tín ngưỡng. Chúng ta vẫn đứng vững trên lập trường vô thần để nghiên cứu tôn giáo-tín ngưỡng. Xa lạ với chúng ta là quan điểm Homo religio. Cho tôn giáo tín ngưỡng là bạn đồng hành của con người từ lúc khởi thủy và còn tồn tại lâu dài chừng nào còn tồn tại con người. Chúng ta cũng không khoan nhượng với thuyết độc thần nguyên thủy của trường phái Viên trước đây. Chúng ta cũng không chia sẻ quan điểm với chủ nghĩa tín ngưỡng (fideisme), cho niềm tin tôn giáo đứng trên trí tuệ, coi niềm tin tôn giáo giữ vai trò quyết định trong nhận thức chân lý, nhận thức thế giới, vì về thực chất đó là một thứ chủ nghĩa thuộc khuynh hướng triết học duy tâm.
Mặt khác, chúng ta cần đề phòng sự lợi dụng Nghị quyết của Đảng xem tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân để mở rộng, nhân lên không giới hạn về nhu cầu tinh thần ấy của nhân dân. Đối với tín ngưỡng dân gian chúng ta cần phân loại để có cách ứng xử thích hợp. Đối với loại tín ngưỡng dân gian không lành mạnh, lỗi thời, không phù hợp với việc phát triển nền văn hóa mới, thậm chí có hại cho sản xuất, cho đời sống, làm tổn hại đến truyền thống đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định xã hội v.v… thì cần loại trừ. Thuộc loại này có thể kể các tín ngưỡng liên quan đến tục săn đầu lâu ở người Cơ Tu, tục xưng Vua ở người Mông, tục ma lại, chài, thư v.v… ở một số dân tộc miền núi nước ta. Loại thứ hai là các tín ngưỡng không những không gây tác hại, mà trên phương diện nào đó còn góp phần giáo dục truyền thống, củng cố ý thức cộng đồng v.v… thì không nên cấm đoán. Có thể kể: tục thờ tổ tiên,t ín ngưỡng cầu mùa, tục đâm trâu, chọi trâu, nhiều lễ hội. Cố nhiên ở đây không nên lặp lại nguyên xi, cần loại trừ dần các yếu tố mê tín dị đoan, việc tổ chức phải làm sao tiết kiệm sức người, sức của của nhân dân v.v…
Một điều cần nhấn mạnh nữa là khi thỏa mãn nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, cần tỉnh táo, cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu và hành động thù địch với chế độ ta, đang tìm mọi cách tuyên tuyền kèm theo các biện pháp lợi ích vật chất đề bành trướng tôn giáo vào một số dân tộc miền núi phía Bắc cũng như Trường Sơn - Tây Nguyên.
4. Về thực chất, tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân gian. Mọi người đều biết văn hóa dân gian là bộ phận cốt lõi của văn hóa dân tộc, nó được hình thành rất sớm trong lịch sử đời sống dân tộc, nó vừa là yếu tố truyền thống giữ cho văn hóa dân tộc khỏi bị biến dị, lai căng, khỏi bị đồng hóa với văn hóa bên ngoài, ngoại sinh, nó đồng thời vừa là cái nền, cái substrat để cho dân tộc tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài (cái adstrat, cái superstrat) để làm giàu cho văn hóa dân tộc.
Tín ngưỡng là phần sâu lắng của con người, theo cách nói gần đây, nó thuộc về đời sống tâm linh của con người, cho nên nó là bộ phận cực kỳ quan trọng trong văn hóa dân tộc. Vào những năm 80 của thế kỷ chúng ta, khi Liên Xô chưa tan rã, ở Liên Xô diễn ra một cuộc tranh luận rất sôi nổi do giáo sư S.A Tôkarép  khởi xướng về chức năng xã hội của tôn giáo, tín ngưỡng. Theo giáo sư Tôkarép, tôn giáo - tín ngưỡng một mặt làm chức năng cố kết giữa những người cùng chung một đức tin, mặt khác làm chức năng phân ly giữa những người khác niềm tin. Tín ngưỡng dân gian như vậy làm chức năng cố kết của cộng đồng. Trong thời kỳ mà ý thức dân tộc được hồi sinh, trong thời kỳ mà giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng, song song với sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin, trong điều kiện chủ nghĩa thế giới (cosmopolitisme) vẫn đang tìm cách mở rộng không gian sinh tồn, thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm cần thiết. và tín ngưỡng dân gian có thể đóng góp phần hữu hiệu vào công việc này. Ví dụ tín ngưỡng Bàn Vương giúp cho người Dao dù ở đâu cũng quan hệ gắn bó với đồng tộc của mình, khắc phục hậu quả chính sách chia để trị của phong kiến, thực dan, xé lẻ dân tộc ra gần 10 ngành. Như vậy tín ngưỡng dân gian như một bộ phận của văn hóa dân gian, nó quan trọng vì thông qua nó, người ta nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố thắt chặt khối cộng đồng dân tộc.
5. Cuối cùng, về phương pháp nghiên cứu, theo tôi, nghiên cứu tín ngưỡng dân gian là việc làm khó khăn, phức tạp. Dùng phương pháp cổ điển của dân tộc học, chắc không đem lại kết quả mong muốn. Dùng phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian, có tốt hơn không? Thuộc nội dung của ngành tôn giáo hộc, nhưng trong khi ngành này có đối tượng xác định, liệu nó đã có phương pháp đặc thù nào chưa? Dù sao trước mắt, tôi nghĩ phải áp dụng phương pháp liên ngành, trong khi chờ đợi việc làm cấp bách của giới khoa học nước ta hiện nay là soạn thảo phương pháp nghiên cứu về tôn giáo - tín ngưỡng để cho việc nghiên cứu tiếp cận với thực tế cuộc sống nhân dân.
(Tạp chí Dân tộc học số 2-1995)
Phan Hữu Dật

No comments:

Post a Comment