Total Pageviews

12.3.13

TỤC TRỞ VỀ TRONG HÔN LỄ CÁC DÂN TỘC NƯỚC TA


Tục trở về là một hôn lễ trong hôn nhân của các dân tộc trên thế giới. Nội dung của tục này là người con gái trong lễ cưới, khi được đưa dâu về nhà chồng lần đầu tiên, sau một thời gian nhất định, bắt buộc phải trở về nhà bố mẹ đẻ một thời gian, rồi mới trở lại nhà chồng, ở hẳn bên chồng. Từ đó về sau khi bên nhà bố mẹ đẻ có việc mới trở về, chứ không có những quy định cụ thể.
Tục trở về cho đến nay, vẫn còn ít được nghiên cứu. Trong nền Dân tộc học Xô viết trước đây, tiêu biểu hơn cả là công trình nghiên cứu của Giáo sư - Tiến sỹ M.O.Conven, nhan đề là “Bozbpausehuegomou” (Tục trở về). Trong công trình đó, nói đến tục trở về của nhiều dân tộc trên thế giới. Nhưng tác giả không có được những thông tin về tập tục này ở các dân tộc nước ta để đưa vào cuốn sách. Trong các công trình nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam, từ trước đến nay, vấn đề này cũng chưa được giới khoa học quan tâm bao nhiêu. Ngay cả nhưng luận án cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, các chuyên khảo về hôn nhân gia đình các dân tộc nước ta, tập tục này hoặc bị bỏ qua, hoặc chỉ đề cập rất sơ sài.
Trong bản báo cáo này tôi nêu lên một số tư liệu Dân tộc học về tập tục trở về ở nước ta. Tôi đã lập một phiếu điều tra khảo sát gồm có 16 câu hỏi (kèm theo đây), và đã nhờ một số cộng tác viên giúp sức thực hiện. Tôi đã thu về được thông tin từ 31 dân tộc. Số lượng tài liệu khảo sát thu được không đồng đều, dân tộc thu được nhiều tài liệu hơn cả là Thái 6, Dao 6, Tày 5 v.v Các dân tộc thu thập được tài liệu đều được phân bố trong tất cả các nhóm ngôn ngữ khác nhau, thuộc các địa bàn cư trú ở nước ta. Nhờ các cộng tác viên: Đ/c Mã Điền Cư, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn và đ/c Nguyễn Văn Thắng (Sở VHTT Lào Cai), TS Nguyễn Xuân Hồng (Thừa Thiên Huế), TS. Lưu Hùng và các chuyên viên Vũ Hồng Thuật, Trần Hoàng Long, Vũ Thị Hà (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), TS Vũ Trường Giang (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Trịnh Hưng Thịnh (Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội), TS.Mlô Thu Nhung (Viện Dân tộc học), TS Thành Phần (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh), PGS.TS Hoàng Lương (Đại học KHXHNV Hà Nội), Nhà Dân tộc học Cầm Trọng (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), PGS.TS.Hoàng Nam (Trường Đại học Văn hóa) v.v, tôi có được tài liệu do hơn 50 người dân tộc thuộc 31 dân tộc cung cấp.
Tục trở về tuy chỉ là một hôn lễ, nhưng liên quan đến nó có nhiều tình tiết, ví dụ cô dâu về nhà chồng thời gian bao lâu mới trở về nhà mẹ đẻ, ở nhà mẹ đẻ bao lâu thì phải trở về nhà chồng, khi đi và về thì ai đi theo, khi về nhà mẹ đẻ, đem theo nhưng gì, về nhà mẹ có cúng bái gì không, giới hạn tự do ở tại nhà mẹ đẻ khi đa có chồng ở mức độ nào, trong một đời người, phải trở về mấy lần là bắt buộc theo tập tục, với người phụ nữ lấy chồng lần hai, có thực hiện tục trở về không v.v
Vì thời gian hạn chế cho một bản báo cáo, tôi chỉ đề cập đến một vấn đề là nêu lên sự hiện diện của tập tục này ở các dân tộc nước ta, từ đó rút ra một vài nhận xét cần thiết.
I. ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ TÀY - THÁI
1. Dân tộc Thái
Theo đồng chí Lương Thị Hoa - Cán Khê, Như Thanh, Thanh Hóa, người Thái ở đây gọi tục trở về là Mưa hươn, cô dâu sau ngày cưới là về nhà mẹ ngay, chỉ ở lại một buổi, rồi quay về nhà chồng.
Theo đồng chí Phan Thị Lượng, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, ở người Thái (Đen) tục lại mặt gọi là Khưu hoai, nghĩa là lại mặt. Cô dâu về nhà chồng 1-2 ngày, phải trở về nhà mẹ đẻ.
Theo đồng chí Đinh Văn Oanh, xa Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An, người Thái (Hàng Tổng) gọi tục trẻ về là Hưn Hòi hay Khủn hòi, nghĩa là lại mặt, sau khi về nhà trai một ngày đêm, sáng hôm sau cô dâu về nhà mẹ đẻ ở lại một ngày rồi về nhà chồng.
Theo đồng chí Vì Thị Mại, Mai Châu, Hòa Bình, ở người Thái trắng, tục trở về gọi là Khưu hoài, hoặc Ooc ná, nghĩa là ra mắt, lại mặt. Sau khi làm xong thủ tục cưới bên nhà chú rể, thì về lại nhà mẹ đẻ, nghĩa là trong cùng một ngày, Ở lại nhà mẹ đẻ từ 2-6 ngày, thì trở lại nhà chồng.
Theo đồng chí Lù Thị Phương, Khổng Lào, Phong Thổ, Lai Châu, ở người Thái trắng, tục trở về gọi là Ó nả, nghĩa là lại mặt. Sau 3 ngày ở nhà chồng, người phụ nữ phải trở về nhà mẹ đẻ.
Theo PGS.TS Hoàng Lương, người Thái ở Bản Puôi, xã Huy Tân, Phù Yên, Sơn La tục trở về gọi là Tảo hoi tin (quay lại vết chân). Cô dâu ở nhà trai 3 ngày, về thăm mẹ đẻ rồi quay ngay về nhà chồng trong ngày.
2. Dân tộc Tày. Theo ông Ma Thanh Sợi, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai, tập tục này ở người Tày gọi là Tào lại rói tịu, nghĩa là quay lại dấu chân. Cô dâu ngày hôm sau, sau ngày cưới phải về nhà mẹ đẻ, có chậm thì nhất thiết không được để quá 7 ngày.
Theo ông Vàng Văn Liềng, thôn Nậm Cáy, Bắc Hà, thì ngày hôm sau đám cưới cùng chú rể về nhà mẹ đẻ mình làm lễ ăn lại mặt, rồi lại trở về nhà chồng ngay trong ngày hôm ấy. Điều đáng chú ý là theo ông Vàng Văn Liềng, ở người Tày Bắc Hà, tục trở về diễn ra đến hai lần. Lần thứ nhất: Ngay hôm sau ngày cưới đón dâu; lần thứ hai: 12 ngày sau lại phải trở về một lần nữa.
Theo đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh, Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái tục trở về ở người Tày gọi là Tèo lòi, nghĩa là lại mặt thực hiện ngày thứ ba, sau lễ cưới.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Biện, Nà Rì, Bắc Cạn, tục lại mặt ở người Tày gọi là Hòi lòi, nghĩa là lại mặt. Cô dâu về nhà chồng một ngày, thì trở lại nhà mẹ để, ở lại một đêm hôm sau lại cùng chồng trở về nhà trai.
Theo ông Trương Mạnh Hùng, Mường Khương, Lao Cai ở người Pa Dí, sau ngày cưới 3 ngày, cô dâu phải trở về nhà mẹ đẻ 2-3 ngày.
3. Dân tộc Giấy: Theo đồng chí Trang Đức Bình, xã Bản Lang, Phong Thổ, Lai Châu, tục trở về ở người Giấy gọi là Táo ná, nghĩa là lại mặt, diễn ra 2-3 ngày sau lễ cưới, ở lại 1-2 ngày là trở về nhà chồng.
4. Dân tộc Sán Chay (Cao Lan): Theo đồng chí ở Sơn Dương, Tuyên Quang tục trở về gọi là Tầu lầy (lại mặt), cô dâu ở nhà chồng một ngày một đêm, sáng hôm sau, tinh mơ là trở về nhà mẹ đẻ luôn, ở lại với mẹ 2 ngày 1 đêm.
5. Dân tộc Lào: Theo đồng chí Hoàng Thị Hậu, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La, người Lào ở đây không có tục trở về. Lễ cưới chỉ tổ chức trong một ngày ở nhà gái, sau lễ cưới, chú rể ở luôn nhà bố mẹ vợ 3-5 năm. Hết hạn ở rể, nhà chồng tổ chức đón dâu. Cô dâu theo tập tục khi về nhà chồng, không bắt buộc trở lại nhà mẹ đẻ nữa.
6. Dân tộc Nùng:
Theo đồng chí Vi Văn Thanh, Đồng Bục, Lộc Bình, Lạng Sơn tục này gọi là Hòi lòi (tức lễ lại mặt), sau lễ cưới một ngày cô dâu về nhà chồng
Theo đồng chí Vy Đức Được, Bình Gia, Lạng Sơn, ở người Nùng tục này gọi là Hồi lòi, tức là lại mặt hay trở lại nhà gốc. Sau hôn lễ 3 ngày, cô dâu trở lại nhà mẹ đẻ, ở lại nhà mẹ đẻ cho đến khi nào có con mới qua ở nhà chồng.
Theo PGS.TS Hoàng Nam, người Nùng Inh, xã Đại An, Văn Quang, Lạng Sơn, tục trở về gọi là Hòi lòi (trở lại dấu chân). Sau lễ cưới, cô dâu ở lại nhà chồng 1-3 ngày, rồi trở lại nhà mẹ đẻ cho đến khi sinh con đầu lòng mới trở về nhà chồng.
II. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ HMÔNG-DAO
7. Dân tộc Hmông:
Theo ông Lý Seo Vảng, Si Ma Cai, Lào Cai, tục này ở người Hmông gọi là Tráo trồng (lại mặt). Cô dâu sau lễ cưới ở nhà chồng 5-7 ngày là trở về nhà mẹ đẻ, ở lại một ngày một đêm.
Theo ông Vừ A Giang (Hmông trắng) ở Bản Ốc, xã Mương Tịn, Yên Châu, tục này gọi là Mồng Sái nà tái, nghĩa là đi thăm bên gái, sau lễ cưới 3 ngày là về nhà mẹ đẻ, ở lại 3 ngày.
8. Dân tộc Pà Thẻn:
Theo cô Lê Thị Thanh, trong luận án cử nhân, khoa sử, 2004, người Pa Thẻn, thôn Thượng Minh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang lễ lại mặt gọi là Tu Lư, 3 ngày sau khi cưới cô dâu trở lại nhà mẹ đẻ. Sau khi cúng tổ tiên, làm lễ rửa tay cho gia đình bên vợ, kết thúc bữa ăn, cô dâu chú rể phải lập tức xin phép ra về, trước khi mặt trời lặn.
9. Dân tộc Dao:
Theo ông Lý Thành, Mộc Châu, Sơn La, tục này ở người Dao gọi là Hùi miền, nghĩa lại mặt, sau lễ cưới 3 ngày cô dâu trở lại nhà mẹ đẻ, ở bao lâu không quy định cụ thể, tùy hoàn cảnh từng người.
Theo ông Bàn Văn Sang, Khe Mụ, Sơn Hà, Bảo Thắng, Lào Cai, ở người Dao Họ, tục này gọi là Hụi lâu nghĩa là quay lại nhà mình. Ngay hôm sau ngày cưới, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ. Theo tập tục trở lại nhà mẹ vào cuối buổi chiều và hôm sau cũng buổi chiều thì về lại nhà trai.
Theo đồng chí Bàn Hữu Dần, Bắc Cạn, thì ở người Dao đỏ, tục này gọi là Mỉn tiu, nghĩa là lại mặt cô dâu về nhà chống ít nhất một tháng mới được về nhà mẹ đẻ, và ở lại từ 1-3 ngày.
Theo ông Triệu Bình, Ngọc Lạc, Thanh Hóa, tục này ở người Dao gọi là Úi mịn (lại mặt, có nghĩa là trở lại). Cô dâu về nhà chồng sau 3-5 ngày thì về nhà mẹ đẻ, ở lại trong 3 ngày.
Theo đồng chí Phương Quầy Phin, Hà Giang, ở người Dao tục này gọi là Dẫn ngoài tra, nghĩa là về thăm bên ngoại, sau lễ cưới một tháng, thì cô dâu trở về nhà mẹ đẻ, ở lài từ 3-5 ngày.
Theo đồng chí Dương Kim Ngân, xã Ba Vì, Sơn Tây, người Dao Quần Chẹt, có tục Ủy mỉ, Ùi mịn, nghĩa là trở về. Sau lễ cưới, cô dâu ở nhà chồng 3-5 ngày, về nhà mẹ đẻ trước 4 ngày bây giờ -2 ngày rồi lại quay về nhà chồng.
III. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ TẠNG - MIANMA
10. Dân tộc Lô Lô:
Theo đồng chí Lý Thị Kính, xóm Khẩu Chang, xã Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng, tục trở về gọi là Khỉa gà pú là, nghĩa là lộn lại vết chân. Sau lễ cưới, cô dâu ở nhà trai 3 tuần rồi trở lại nhà mẹ đẻ 3 tuần, sau đó mới về hẳn nhà chồng.
11. Dân tộc Hà Nhì:
Theo đồng chí Lý Khai Phà, tỉnh Lai Châu, tục này gọi là Ạ ta, ạ ma lu khó ụ lý, nghĩa là về nhà bố mẹ đẻ. Thời gian ở lại nhà chống sau lễ cưới, cũng như thời gian ở lại nhà mẹ đẻ, không quy định cụ thể, tùy theo sự thỏa thuận của bên trai và bên gái.
Theo ông Lù Thanh Xà, Mường Tè, Lai châu, tục này gọi là Ga phu từ ụ í (Xà ga ù ỳ), tức là lại mặt. Cô dâu ở lại nhà trai trong phạm vi không quá một tuần, trở về nhà mẹ đẻ, tùy thuộc vào ngày tốt, thường ở lại nhà mẹ đẻ trong một đêm, rồi trở về nhà chồng.
12. Dân tộc Phù Lá: Theo bà Giàng Sến Lình, thôn Cốc Sâm 5, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai, tục này gọi là Khuầy Mềnh - Tí má, có nghĩa là đi về nhà bố mẹ. Sau lễ kết hôn từ 1-3 ngày, cô dâu từ nhà chồng, trở về nhà mẹ đẻ thông thường lấy ngày thứ ba, nhưng nếu ngày cưới là ngày đẹp, thì sau khi ở nhà trai 1-2 giờ, nhà trai có thể làm lễ cho cô dâu lại mặt nhà gái. Làm lễ cúng tổ tiên, ăn uống xong, bắt buộc phải trở về trong ngày, dù đường về xa hay gần.
IV DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ KAĐAI:
13. Dân tộc CơLao: Theo đồng chí Vương Thị Thảo, tỉnh Hà giang, tục này gọi là Goạng hạn chá, nghĩa là về thăm bên ngoại. Cô dâu sau lễ cưới, ở lại nhà chồng 3 ngày, thì trở về nhà mẹ đẻ. Sáng đi chiều về, không được ở lại đêm.
V. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ HÁN:
14. Dân tộc Sán Dìu: Theo đồng chí Diệp Thị Thu Huyền, xã Trung Mí, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, tục này không còn duy trì, trước đây sau lễ cưới 1-3 ngày, cô dâu về nhà mẹ đẻ 1-2 ngày, sau đó về ở nhà chồng hẳn.
15. Dân tộc Hoa:
Trong sách “Dân tục học Trung Quốc cổ” của Dao Quốc Phiên, bản dịch của Đào Văn Học, NXB Văn hóa - Thông tin, 9-1995, trong chương 18 “Phong tục dạy con gái” có đoạn:
“Thông thường thì hai vợ chồng mới cưới, trong khoảng từ 3-7 ngày kể từ khi cưới sẽ phải về thăm gia đình nhà vợ”. Tập tục này người Tống gọi là bái môn. Ở thời cận đại lại được gọi là hồi môn”.
VI. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ VIỆT - MƯỜNG
16. Dân tộc Mường:
Theo đồng chí Đinh Thị Ninh, Mộc Châu, Sơn La, tục này gọi là Vền dông mỏng, tức về thăm nhà ngoại. Sau lễ cưới từ 7-10 ngày, cũng có thể 1-2 tháng, cô dâu mới trở lại nhà mẹ đẻ, ở lại 1-2 ngày, có khi 5-7 ngày, rồi trở lại nhà chồng.
Cũng có người cung cấp tài liệu tục này gọi là lại mặt, cô dâu về nhà mẹ đẻ trong 3 hôm, ở lại khoảng 3-7 ngày, rồi trở lại nhà chồng.
17. Dân tộc Thổ: Theo đồng chí Trương Thị Vần, xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An, tục này gọi là Lái mắt, tức lễ lại mặt. Cô dâu về nhà chồng 3 ngày, rồi trở về nhà mẹ đẻ, ở lại trong một ngày.
18. Dân tộc Chứt (Nhóm Mã Liềng): Theo đồng chí Cao Điền, Bản Kè, xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa, tục này gọi là Ăn tape ú cu, nghĩa là trở về ăn bếp, sau khi về nhà trai 1-5 ngày, thì cô dâu trở về nhà mẹ đẻ, ở lại một đêm một ngày.
19. Dân tộc Việt: Tục này với người Việt thì gần như mất hẳn, đặc biệt ở các đô thị. Nhưng trước đây thì rất phổ biến. Trong sách “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính (NXB Phong trào Văn hóa, Sài Gòn, 1974), có đoạn ở trang 70: “Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè xôi, đem về nhà vợ, lạy gia tiên gọi là lễ lại mặt, chữ gọi là tứ hỉ”.
VII. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ NAM ĐẢO
20. Dân tộc Chăm: Theo đồng chí Mã Điền Cư và Tiến sĩ Thành Phần ở dân tộc Chăm không có tục trở về. Cưới xong là người con trai ở luôn bên nhà vợ.
21. Dân tộc Ê Đê. 22. Dân tộc Giarai.23.Dân tộc Chu Ru:
Theo Tiến sĩ Mlô Thu Nhung, cũng không có tục trở về. Cưới xong, người con gái không phải sang nhà chồng, mà người con trai ở luôn nhà vợ.
Có một phiếu điều tra không nói rõ dân tộc, có ghi: Nhà gái cưới chồng cho con. Chú rể ở luôn bên nhà vợ. Cưới xong là về ở luôn. Như vậy, cũng không có tục trở về.
Theo ông già làng Yeng Tang, thì Ma Danh, xã Tu Tra, Ô Já Lưng Ma Kai, thôn Proh, xã Proh, già làng Yeng Tung thông Grăng Gô, xã Proh, Đơn Dương, Lâm Đồng, người Chu Ru, kể từ ngày cưới, chú rể ở hẳn bên nhà gái.
VII. CÁC DÂN TỘC THUỘC NHÓM NGÔN NGỮ MÔN - KHƠME:
24. Dân tộc Bru - Vân Kiều: Theo ông Hồ Ấm Lương, xã Pa Từng, Hướng Hóa, Quảng Trị, tục này gọi là Pa lỗh ân chốh, nghĩa là trở về sân nhà bố mẹ đẻ. Sau lễ cưới 5-10 ngày, cô dâu trở lại nhà bố mẹ đẻ, ở lại một ngày đêm rồi về nhà chồng. Luật tục quy định, cô dâu bắt buộc trở về nhà bố mẹ đẻ hai làn. Còn về sau những lần thăm viếng do tình cảm thì không kể.
25. Dân tộc Ca Tu: Theo ông Pa Roal Dờ, Thừa Thiên Huế, tục này gọi là Pa Rách, đưa dâu về thăm mẹ đẻ. Sau lễ cưới không quá một tuần, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ, ở lại nhà mẹ đẻ 2-3 ngày, rồi trở về nhà chồng.
26. Dân tộc Kháng: Theo ông Hoàng Sương, xã Năm Giơn, Mường La, Sơn La, tục này gọi là Lau Nhar, nghĩa là lại nhà. Sau lễ cưới từ 7-10 ngày, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ, ở lại 3-5 ngày rồi về nhà chồng.
27. Dân tộc Khơ Mú:
Theo ông Xeo Văn Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An, tục này gọi là Pư gai ồm pồng, nghĩa là Trả nước vòi rượu, sau lễ cưới 7 ngày, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ 1-2 ngày.
28. Dân tộc Stiêng: Theo ông Điểu Điền, tỉnh Bình Phước, tục này gọi là Bạc han mah hạn cơi, nghĩa là tục qua lại của cô dâu. Sau lễ cưới một thời gian nhất định tùy theo sự thỏa thuận của hai bên, cô dâu trở về mẹ đẻ, ở lại không quá 4-5 ngày, phải trở về nhà chồng.
29. Dân tộc Co: Theo bà Hồ A Ly Sa, Trà Xuân, Trà Bồng, Quảng Ngãi, sau lễ cưới một thời gian không quy định cụ thể, cô dâu trở về nhà mẹ đẻ, ở lại 1-3 ngày đêm, rồi trở về nhà chồng.
30. Dân tộc Cơ Ho: Theo các ông Ka Sẻn và ông Ka Zing, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, tập tục này gọi là Ôm ta hiên chóc lao. Sau lễ cưới, ở nhà chú rể 3 ngày thì cô dâu quay lại nhà mẹ đẻ, ở lại khoảng 3 ngày thì quay lại nhà chồng.
31. Dân tộc Chơ Ro: Theo ông Điếu Bảo, Đồng Nai, tục này gọi là Woong sai sĩh hây sì ui, nghĩa là lấy nhau về bên vợ. Sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng 1-2 tháng thì trở lại nhà mẹ đẻ. Ở lâu bên nhà mẹ đẻ nhiều năm. Ít người làm dâu nhà chồng. Thường sau khi lấy chống là ở nhà mẹ đẻ. Còn chồng thì ở bên vợ lâu năm. Thỉnh thoảng mới về thăm nhà mẹ đẻ.
MỘT SỐ NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU VỀ TỤC TRỞ VỀ
Mặc dù bức tranh về tục trở về ở các dân tộc nước ta được phát họa chưa đầy đủ, vì chỉ đề cập đến 31 trên 54 dân tộc, tuy nhiên vẫn có thể rút ra những nhận xét bước đầu.
1. Tục trở về chỉ tồn tại ở các dân tộc xã hội phụ quyền, gia đình phụ quyền, quy tắc cư trú trong hôn nhân là vợ về nhà chồng. Ở những dân tộc còn mang dấu ấn xã hội mẫu quyền, gia đình mẫu quyền, quy tắc cư trú trong hôn nhân là chồng về nhà vợ thì không có tục này. Ở nước ta đó là các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo.
2. Các dân tộc nước ta mà quy tắc cư trú trong hôn nhân là vợ về nhà chồng, thì tục trở về là phổ biến. Căn cứ vào tên gọi tục trở về bằng tiếng dân tộc, dịch nó sang Tiếng Việt, thì ta thấy nó có một sự thống nhất rất cao. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa lại mặt, cô dâu trở về nhà, trở về sân, quay lại vết chân, dấu chân, đi thăm bên gái, về thăm bên ngoại, về nhà bố mẹ, trở về ăn bếp, trở về sân nhà bố mẹ đẻ, lại nhà, trả nước vòi rượu, lấy nhau về bên vợ v.v.. Như vậy, trong bối cảnh các dân tộc nước ta thống nhất từ đa dạng, mặc dù trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, sắc thái văn hóa có những nét đặc thù, thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, cư trú trên địa bàn khác nhau, số dân từng dân tộc cũng không giống nhau, nguồn gốc lịch sử cùng có sự khác biệt, sự cộng cư của các dân tộc ở nước ta không phải diễn ra trong cùng một thời kỳ v.v… nhưng đã là xã hội phụ quyền thì tất yếu có tục trở về trong hôn lễ. Đối với các dân tộc phụ quyền trên thế giới mà cuốn sách của GS.Cosven nêu lên ta cũng thấy tình hình như vậy. Ở đây nói lên rất rõ sự thống nhất của nhân loại. Nó là một chứng cứ để bác bỏ sự sai trái của học thuyết phân biệt chủng tộc.
3. Tục trở về có một sức sống rất bền bỉ. Tồn tại qua hàng thế kỷ, thậm chí hàng chục thế kỷ, đến hôm nay, nó vẫn còn được duy trì. Cố nhiên với sự phát triển của xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay, nó không còn giữ lại như xưa, mà đơn giản đi nhiều, nhất là ở các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa. Một vài dân tộc nước ta tục này đã rất mờ nhạt, đang mất dần. Ở người Kinh sinh sống chẳng hạn ở thành phố, tục này đã thành quá khứ.
4. Tục trở về không chỉ là tài liệu giúp ta tìm hiểu đặc thù văn hóa dân tộc, mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, thậm chí giúp ta tìm hiểu mối quan hệ về nguồn gốc tộc người, mà còn giúp ta tài liệu để tìm hiểu tổ chức xã hội, trình độ phát triển xã hội của các dân tộc.
Tình hình chỉ những xã hội phụ quyền mới có tục trở về, còn xã hội mẫu quyền thì không, nói lên điều gì?
Dưới xã hội mẫu quyền, vợ cưới chồng, hôn nhân chồng về ở bên vợ, thì trong hôn nhân, người phụ nữ không thoát ly gia đình, vẫn ở lại nhà với mẹ, địa vị người phụ nữ vẫn được tôn trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Cô dâu một khi đã không về nhà chú rể, thì làm sao có được tục trở về, trở lại nhà mẹ đẻ.
Còn dưới xã hội phụ quyền, trong hôn nhân, người phụ nữ phải về nhà chồng, sống trong môi trường mới, môi trường bất bình quyền với nam giới. Do đó cho nên có sự phản ứng lại, có sự chống cự sự phụ thuộc vào nam giới, để duy trì địa vị “hoàng kim” của mình trước đây.
Tục trở về nói lên hành động của nữ giới trong hôn nhân không muốn về nhà chồng, mà vẫn tiếp tục ở nhà mẹ. Nó là một dấu vết nói lên sự quá độ từ mẫu quyền sang phụ quyền, nói lên cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ dai dẳng và quyết liệt của người phụ nữ vì không muốn chịu sự thất bại có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới khi nông nghiệp cuốc trong tay đàn bà, chuyển sang nông nghiệp cày nằm trong tay đàn ông, với sự phát triển sức sản xuất, sản phẩm làm ra còn để tái sản xuất mở rộng, và lại còn của cải dư thừa dùng vào việc thừa kế. Người đàn ông với hôn nhân vợ cư trú bên chồng mới cảm thấy an tâm, về đứa con trai là dòng máu thực sự của mình để trao quyền thừa kế tài sản cho nó.
Như vậy, tục trở về còn là tài liệu giúp ta nhận thức về vị trí lịch sử của mẫu quyền và phụ quyền trong tiến trình lịch sử nhân loại. Tục trở về cho ta tài liệu có ý nghĩa thuyết phục để bảo vệ luận điểm có tính nguyên tắc của Ăngghen trong tác phẩm: “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước, rằng mẫu quyền là cái trụ cột để cho lịch sử nguyên thủy xoay xung quanh nó, rằng trong xã hội nguyên thủy, mẫu quyền nảy sinh trước, về sau nó mới bị phụ quyền thay thế. Dù trường phái Tiến hóa luận có những mặt hạn chế do tính đơn điệu, không tính hết sự phức tạp, đa chiều của sự phát triển các dân tộc, nhưng luận điểm mẫu quyền có trước, phụ quyền có sau vẫn được xem như một chân lý bất di bất dịch, thậm chí một quy luật của sự phát triển nhân loại.
Hà Nội, 12/2004
Phan Hữu Dật

PHIẾU ĐIỀU TRA KHẢO SÁT DÂN TỘC HỌC
TÌM HIỂU “TỤC TRỞ VỀ” TRONG HÔN NHÂN CỦA CÁC DÂN TỘC

1. Tục trở về là gì?
Người con gái trong hôn lễ, sau khi nhà trai đưa dâu về nhà chồng, trở lại nhà mẹ đẻ một thời gian, sau đó mới về ở hẳn bên nhà chồng
2. Tục này ở từng dân tộc cụ thể gọi là gì? Bằng tiếng dân tộc, dịch nghĩa từ ngữ ra tiếng Kinh?
Tục này ở dân tộc Dao gọi là “Hùi Miền” - Dịch ra tiếng Kinh gọi lại mặt.
3. Cô dâu về nhà chồng bao lâu mới trở về nhà mẹ đẻ?
3 ngày
4. Khi trở về có ai bên nhà chồng đi theo, có mang theo lễ vật gì?
Chồng đi theo, mang theo bánh Phu Thê “Gun ít”
5. Về nhà mẹ đẻ có cúng bái không? Có quan hệ nam nữ tự do như trước khi lấy chồng không?
- Có cúng bái
- Quan hệ nam nữ bị hạn chế.
6. Ở lại nhà mẹ đẻ bao lâu mới trở lại nhà chồng?
Ở bao lâu không bị ràng buộc bởi nghi lễ, tập tục mà do điều keienj của mỗi gia đình
7. Khi về nhà chồng, nhà trai có người đón không? Nhà gái có ai đưa không?
Chỉ có 2 vợ chồng đón long trọng, nhà gái không ai đưa.
8. Khi vè nhà chồng có mang theo đồ vật gì không? Có cúng bái ở nhà chồng không
Tư trang cá nhân và quà mừng đám cưới
Có cúng bái lễ ra tiên “thêm miền khố”
9. Trong đời làm dâu, chỉ trở về nhà mẹ đẻ một lần bắt buộc như vậy hay trở về nhiều lần?
Chỉ một lần
10. Đối với phụ nữ lấy chồng lần thứ 2 có thực hiện trở về không
11. Tập quán dân tộc giải thích tục trở về như thế nào?
Nhận họ hàng, ra mắt chú rể
12. Đối với các dân tộc phụ nữ cưới chồng thì nam giới có thực hiện tục trở về không
Không
13. Hiện nay tục trở về còn duy trì không, hay đã có sự thay đổi?
Vẫn duy trì những được đơn giản hóa.
14. Tên dân tộc được khảo sát
Dao
15. Họ tên, giới tính, tuổi, nghề nghiệp, quê quán người cung cấp tài liệu về tục trở về
Lý Thành - Nam - 33 tuổi, Công an Mộc Châu - Sơn La
Xin cảm ơn ông (bà) đã cung cấp thông tin về tục trở về của dân tộc mình
16. Họ tên, giới tính, tuổi, nghề nghiệp người lấy tài liệu về tục trở về
Thạc sĩ Vũ Trường Giang, nam 34 tuổi, giảng viên Phân viện Hà Nội - Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

Hà Nội, tháng 5-2004
Người lập phiếu điều tra
GS-TS. Phan Hữu Dật


No comments:

Post a Comment