Total Pageviews

12.3.13

VAI TRÒ CỦA GIÀ LÀNG TRONG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIẾU SỐ Ở TÂY NGUYÊN


1. Tây Nguyên nước ta là vùng đất có vị trí rất quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Về mặt địa lý tự nhiên, đây là vùng Nam Trường Sơn. Từ Bắc vào Nam Tây Nguyên được chia thành 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Về mặt lịch sử cư trú, cư dân Tây Nguyên hiện nay có thể chia thành 2 lớp người. Lớp người đến cư trú trong thời gian muộn hơn gồm có người Kinh và nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có các dân tộc ở Bắc Trường Sơn như Bru - Vân Kiều, trong thời gian gần đây lại có các dân tộc thiểu số miền Bắc chuyển cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông, Mường, v.v.. Lớp cư dân cư trú lâu đời ở Tây Nguyên, trong các tài liệu khoa học người ta thường gọi là cư dân bản địa, bao gồm các dân tộc thuộc 2 ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme miền núi của ngữ hệ Nam Á có 9 dân tộc. Theo số liệu Điều tra dân tộc ngày 1-4-1999, dân tộc Ba Na có 174.456 người. Dân tộc Xơ Đăng có 127.148 người. Dân tộc HRê có 113.111 người. Dân tộc Cơ Ho có 128.723 người. Dân tộc MNông có 92.451 người. Dân tộc Gié-Triêng có 30.243 người. Dân tộc Mạ có 33.338 người. Dân tộc BRâu có 313 người. Dân tộc Rơ Măm có 352 người.
Thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai của ngữ hệ Nam Đảo, hay còn gọi là Maylayo - Pôlinêdiên, gồm có 4 dân tộc. Dân tộc Gia Rai có 317.557 người. Dân tộc Ê Đê có 270.348 người. Dân tộc RaGlai có 96.931 người. Dân tộc Chu Ru có 14.978 người. Tổng cộng số dân của 13 dân tộc vốn cư trú xa xưa ở Tây Nguyên là: 1.399.949 người.
Về mặt phát triển kinh tế - xã hội, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các dân tộc Tây Nguyên đều ở trong phạm trù tan rã của xã hội nguyên thủy. Trong xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo, nhưng giai cấp chưa hình thành, vì chưa có đối kháng giai cấp nên không có cơ sở để xuất hiện nhà nước. “Vua Nước” và “Vua Lửa” ở dân tộc Gia Rai, về thực chất chỉ là các tù trưởng lớn kiêm pháp sư ở một vùng mà thôi. Đặc thù trong phát triển xã hội ở Tây Nguyên là trong khi các dân tộc nói ngôn ngữ Mã Lai còn mang nặng truyền thống mẫu hệ, thì các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơme đã chuyển sang phụ hệ. Công xã của cư dân Tây Nguyên là công xã nông thôn, hay còn gọi là công xã láng giềng, nhưng khác với người Kinh, vì ở Tây Nguyên bảo lưu nhiều thiết chế của xã hội nguyên thủy, nên trong khoa học, loại công xã láng giềng của đồng bào gọi là công xã láng giềng nguyên thủy. Loại hình kinh tế - chủ yếu của cư dân Tây Nguyên là làm nương rẫy, đao canh hỏa chủng. Mặc dù kinh tế - xã hội chưa được phát triển cao, nhưng các dân tộc Tây Nguyên đều có sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo làm cho văn hóa Việt Nam trăm hương ngàn sắc thống nhất trong đa dạng.
Các dân tộc thiểu số trên vùng đất này đã đoàn kết tương trợ với nhau và với người Kinh, cùng các dân tộc thiểu số khác trong nước chuyển cư đến, trong quốc gia Việt Nam thống nhất, mà các dân tộc đều là thành viên gắn bó máu thịt và đều cùng chung một vận mệnh lịch sử.
2. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ăngghen cho rằng phân công lao động và hệ quả của sự phân công lao động đã làm cho xã hội nguyên thủy tan rã. Ăngghen đã đề cập đến 3 sự phân công lao động vĩ đại trong xã hội nguyên thủy. Kết quả của sự phân công lao động lần 1 là bộ phận cư dân chăn nuôi du mục tách ra khỏi khối người làm nghề trồng trọt. Hệ quả của phân công lao động lần 2 là thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp. Ở ngưỡng của thời đại văn minh, kết thúc thời đại nguyên thủy, đó là lúc tầng lớp thương nhân ra đời.
Cần thấy rằng 3 sự phân công lao động đó diễn ra ở thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt, nghĩa là ở giai đoạn muộn của xã hội nguyên thủy. Xã hội loài người khi mới hình thành ở thời đại hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay khoảng 5-4 vạn năm đã bắt đầu trải qua một hình thái phân công lao động đơn sơ hơn, đó là sự phân công lao động tự nhiên, gồm có 2 loại, 1 là phân công lao động theo giới, nam và nữ, căn cứ vào thể chất c on người, căn cứ vào chức năng của giới tính, và hoạt động sản xuất để sinh tồn, theo sự phân công này đàn bà chuyên lượm hái, đàn ông chuyên săn bắt và săn bắn. Sự phân công lao động tự nhiên thuộc loại 2 là phân công lao động theo lứa tuổi. Mỗi thành viên trong xã hội theo lứa tuổi mà cống hiến sức lực của mình cho cộng đồng. Nói chung người ta chia xã hội ra các lớp người: vị thành niên, thành niên và người già. Trong cuộc đời của mỗi con người, có những cái mốc rất quan trọng, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, bao giờ cũng được đánh dấu bằng những lễ nghi từ đơn giản đến phức tạp, mang đậm những yếu tố tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa tộc người, trong khoa học người ta gọi đó là các nghi lễ chuyển giai đoạn, từ sinh đẻ, dậy thì, lễ thành đinh, kết hôn đến lên lão và qua đời, tang ma. Mốc nào cũng có tầm quan trọng của nó, nhưng đáng chú ý là 2 mốc sau: lễ thành đinh và lên lão. Lễ thành đinh phổ biến ở các dân tộc trên thế giới, điển hình là ở thổ dân châu Úc. Ở nước ta, tục cấp sắc của người Dao là dấu vết xa xưa của lễ thành đinh nguyên thủy. Với lễ thành đinh, con người từ vị thành niên trở thành thành niên, 1 thành viên bình đẳng, với đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi trong một cộng đồng. Còn tục lên lão, ngay ở người Việt cách đây không lâu, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vẫn còn tồn tại phổ biến. Cứ đến tuổi 50, đàn ông làm lễ khao làng để lên lão, hết làm các nghĩa vụ phu phen tạp dịch, ra đình làng được mời ngồi chiếu trên, bàn bạc quyết định công việc của làng xã. Hội nghị Diên Hồng đời Nhà Trần để quyết định chủ trương chống quân Nguyên Mông, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, chính là cuộc hội nghị của các bô lão.
Như vậy sự phân tầng xã hội theo lứa tuổi có 4 thang bậc: trẻ nhỏ, thiếu niên, trưởng thành và cao niên. Hai bậc thang đầu là thời trẻ con, 2 bậc thang sau là thời “người lớn”, trong đó thang bậc cuối cùng là các già làng (lão hạng).
Từ những vấn đề vừa trình bày, có thể rút ra 2 nhận xét:
Một là, già làng, thiết chế già làng hay chế độ lão quyền có nguồn gốc rất xa xưa trong lịch sử loài người. Nó bắt nguồn từ sự phân công lao động tự nhiên theo lứa tuổi.
Hai là, chế độ lão quyền chỉ tồn tại và phát huy sức sống trong xã hội nguyên thủy, hay trong xã hội có giai cấp tiền tư bản chủ nghĩa nhưng còn mang ít nhiều tàn dư của xã hội nguyên thủy.
3. Vậy già làng có những đặc điểm gì? Chế độ già làng là gì? Vai trò của già làng trong xã hội truyền thống Tây Nguyên như thế nào?
Thuật ngữ già làng không phải để chỉ một cá nhân mà để chỉ một lớp người cao tuổi trong một buôn làng nào đó ở Tây Nguyên. Lớp người này đồng nhất ở tuổi tác, nhưng không đồng nhất ở các lĩnh vực khác như nguồn gốc dân tộc, thời gian cư trú trong buôn làng đặc biệt không đồng nhất về phẩm chất cá nhân như hiểu biết sâu sắc về tập quán tín ngưỡng, luật tục của dân tộc, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ buôn làng, tổ chức và quản lý, khoa ăn nói, tài thuyết phục người khác, ngoại giao với các buôn làng khác, v.v Như vậy trong một buôn làng chỉ có một bộ phận nhỏ là người già. Trong số các cụ già này chỉ có một ít cụ nổi bật hơn để có thể tham gia vào việc tổ chức và quản lý buôn làng, trong số ít các cụ này chỉ có vài ba cụ xứng đáng được làm thủ lĩnh của buôn làng gọi là chủ làng. Nếu sơ đồ hóa vấn đề được nêu, theo hình dung của TS.Lưu Hùng, trong cuốn Buôn làng cổ truyền xứ Thượng, ta có những vòng tròn đồng tâm như sau (ở dân tộc Xtiêng):
a)     Vòng tròn ngoài cùng là dân làng: Bon
b)    Vòng tròn thứ 2 từ ngoài vào là lớp người già nói chung: Mranh, hoặc Hranh.
c)     Vòng tròn thứ 3 từ ngoài vào: các bô lão có uy tín cao: Bù Knông.
d)    Vòng tròn thứ 4 (trong cùng): Thủ lĩnh làng: Tom bon.
Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ăngghen nhận xét như sau:
Ngay từ đầu, trong mỗi công xã đó (tức là công xã nông nghiệp nguyên thủy), có một số lợi ích chung nào đó mà việc gìn giữ phải trao cho những cá nhân, tuy có sự kiểm soát của toàn thể: như là xét xử những vụ tranh chấp; trừng phạt những kẻ lạm quyền, như là trông nom các ngồn nước, nhất là ở các xứ nóng, sau cùng là những chức năng tôn giáo, do tính chất nguyên thủy và dã man của hoàn cảnh. Việc giao phó những chức năng như thế, chúng ta cũng thấy có trong những cộng đồng nguyên thủy ở bất cứ thời nào cũng như trong những cộng đồng cổ nhất của Máccơ ở Giecmani và hiện nay ở Ấn Độ.
Ở Tây Nguyên, cá nhân được công xã trao cho những nhiệm vụ đó chính là chủ làng. Chủ làng là người do dân làng theo truyền thống dân chủ nguyên thủy cử ra, suy tôn. Không phải theo thế tập, cha truyền con nối (ở cư dân Môn - Khơme) hay theo dòng mẹ (ở cư dân nói ngôn ngữ Mã Lai), cũng không phải theo định kỳ, một số năm rồi dân làng cử người mới, mà thời gian đảm nhiệm chức vụ này có thể lâu dài, khi quá già yếu không đảm đương nổi hoặc không, xứng đáng về đạo đức phẩm chất hoặc năng lực điều hành nữa, hay khi trong làng xảy ra các dịch bênh, thiên tai, mất mùa, dân làng phải thay người khác vì người chủ làng đương nhiệm theo quan niệm của họ không được thần linh phù trợ.
Lúc đầu chủ làng được lựa chọn trong số người có uy tín nhất trong hàng ngũ bô lão của làng, căn cứ vào phẩm chất và năng lực của cá nhân là chính. Tuy nhiên cũng có trường hợp dân làng suy tôn người có công lập làng, hoặc hậu duệ của người ấy làm chủ làng. Về sau trong tiêu chuẩn để suy tôn chủ làng còn thêm yếu tố tài sản, vì trong xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo đáng kể, hay khi trong xã hội đã manh nha xuất hiện giai cấp.
Trong xã hội Tây Nguyên truyền thống, người chủ làng tuy nắm quyền lực công cộng, nhưng không độc đoán chuyên quyền, chủ làng chỉ đại diện cho dân làng, cho cộng đồng, thực hiện ý nguyện của dân làng, quyền lực của chủ làng không phải là quyền lực cá nhân, ông ta chưa đứng tách ra, càng chưa đứng lên trên cộng đồng, mà cũng chỉ là một thành viên của cộng đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, cùng chiến đấu để bảo vệ buôn làng như các thành viên khác của cộng đồng.
Ở Tây Nguyên, người chủ làng được đặt trong bối cảnh của công xã láng giềng nguyên thủy, gắn liền với chế độ tự quản, và luật tục để xử lý và điều chỉnh các mối quan hệ trong cuộc sống đời thường của mọi thành viên trong cộng đồng. Sự suy tôn, ngưỡng vọng của dân làng đối với chủ làng thể hiện ở các biểu tượng cao đẹp mà họ gắn với chủ làng, người thủ lĩnh của họ. Người Ba Na và người Gia Rai thường lấy cây cau làm biểu tượng người chủ làng. Người Ê Đê gọi người chủ làng “Đầu bến nước (Kapinca), cây cau đầu làng (Ân mownang khua buôn sang), cây đa đầu suối (Mơ nút koca), cây sung đầu làng (Howrra ko buôn), v.v.. Cần lưu ý ở người Ê Đê, cây đa và cây sung có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào, gắn với thần số mệnh “Thần mẹ cưu mang) (Yang am-a bă).
Nếu nghiên cứu sâu về Tây Nguyên sẽ thấy ở một số dân tộc như Ba Na, MNông (nhóm Mnong Gar), Xơ Đăng (các nhóm Ha Lăng, Ca Dong), Cơ Ho (các nhóm Chil, Lat), v.v. còn tồn tại hình thức lãnh đạo tập thể. Trong buôn làng có đồng thời vài ba cụ làm chức năng thủ lĩnh làng, trong khoa học người ta gọi đó là Hội đồng già làng chưa tách riêng ra một ai đứng đầu trong nhóm để làm thủ lĩnh như các buôn làng khác. Ở một số nơi, ví dụ ở người Gia Rai, các cụ trong nhóm Hội đồng già làng tụ họp lại, đào một cái hố đất, mỗi cụ bỏ vào đấy một hạt gạo và khấn mời thần linh đến lấy gạo đi. Nếu qua đêm, hạt gạo của cụ nào được kiến tha đi trước tiên thì cụ ấy được xem như đã có sự chỉ định của thần linh để trở thành chủ làng. Về Hội đồng già làng ở Tây Nguyên, nhà khoa học Pháp J. Dournes viết như sau: “Các người già rất được tôn trọng. Họ họp thành Hội đồng già làng, và thành viên đương nhiên của tòa án làng, được tham khảo ý kiến đối với mọi quan hệ với làng và là trọng tài đương nhiên của mọi xích mích giữa thành viên của gia đình trong làng”.
Trong một số trường hợp thanh thế của chủ làng, nhớ sự kết hợp giữa tuổi già, địa vị xã hội, cao và sự giàu có, mà vượt ra khỏi phạm vi buôn làng mình, ảnh hưởng bao trùm một vùng gồm một số làng.
Trong bộ máy tự quản buôn làng Tây Nguyên, ngoài chủ làng còn có một số nhân vật khác, cũng được sự tôn kính của dân làng, là các cộng sự, giúp việc đắc lực cho chủ làng. Đó là những thầy cúng, thầy phù thủy chăm lo lĩnh vực tín ngưỡng, kiêm lang vườn chữa bệnh bằng ma thuật và y học dân gian. Đó là những người chỉ huy quân sự, trong trường hợp chủ làng không kiêm nhiệm, để bảo vệ buôn làng. Đó là những người tham gia xét xử, điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thành viên trong làng, thông qua tòa án phong tục. Đó còn là các vị chủ đất hay chủ rừng. Họ là đại diện của dòng họ đã thiết lập quyền sở hữu đầu tiên trên địa vực, cung chủ làng quản lý và sử dụng đất, rừng của làng đó là chủ nhà rông. Ở một số nơi đó còn là trưởng thủy (ở người Chu Ru) coi việc điều phối nước tưới ruộng.
Tóm lại, trong xã hội truyền thống Tây Nguyên, già làng với vai trò trung tâm và là linh hồn của cộng đồng, như người chỉ huy dàn hợp xướng của công xã là chủ làng, là những người có vị trí cực kỳ to lớn trong tiến trình tôn tại và phát triển của cộng đồng. Họ chính là người tổ chức cộng đồng khai sơn phá thạch, thành lập buôn làng, tổ chức sản xuất để nuôi sống cộng đồng, điều hòa các mối quan hệ cho cộng đồng phát triển, tổ chức phòng vệ để bảo vệ buôn làng, bảo tồn văn hóa truyền thống và chuyển tải văn hóa đó cho các thế hệ tiếp theo. Các dân tộc Tây Nguyên trong đại gia đình Việt Nam thống nhất cùng chung vận mệnh lịch sử với các dân tộc, cùng với các dân tộc anh em đoàn kết, tương trợ với nhau trong sản xuất và chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với vai trò cực kỳ to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh, các dân tộc Tây Nguyên ngày càng phát huy tiềm năng dồi dào của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu, tổ chức động viên, khuyến khích dân làng và tầng lớp thanh niên đi theo Đảng, Bác Hồ và cách mạng. Đã có biết bao tấm gương tiêu biểu góp phần tô thắm truyền thống Tây Nguyên anh hùng, bất khuất. Nếu trước năm 1945 có N’Trang Lơn, thì trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nổi lên các gương tiêu biểu mà cả nước và thế giới đều biết đến như Bi Năng Tắc, Đinh Núp, Hồ Vai, v.v
4. Công xã láng giềng nguyên thủy và cùng với nó già làng và chủ làng là những phạm trù lịch sử, nghĩa là không phải bất biến, tồn tại mãi mãi, mà là có hình thành, phát triển và tiêu vong cùng với đà phát triển theo hướng đi lên của lịch sử dân tộc và lịch sử loài người.
Từ năm 1945 đến nay, xã hội Việt Nam nói chung và các vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã có những chuyển biến và thay đổi lớn lao. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược, một bộ phận đồng bào Tây Nguyên sống dưới sự kìm kẹp của chế độ thực dân để quốc và ngụy quyền. Một bộ phận lớn sống trong vùng giải phóng, trong các căn cứ địa cách mạng và kháng chiến, đã có những phát triển nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Từ năm 1975 đến nay, trên đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt từ năm 1986 đến nay khi đất nước đi vào con đường đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì bộ mặt Tây Nguyên ngày nay không còn như xưa nữa. Một số nơi từ công xã láng giềng nguyên thủy đã chuyển sang công xã láng giềng, nghĩa là thiết chế của xã hội thị tộc không còn phát huy tác dụng mạnh mẽ nữa. Hệ thống chính trị mới đã bao trùm lên cả Tây Nguyên. Các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng các cấp đều được thiết lập ở Tây Nguyên như các vùng khác của đất nước. Kinh tế nương rẫy không còn thống trị, nhiều nơi đã chuyển sang làm ruộng nước. Kinh tế vườn, trang trại được hình thành; ở những nơi còn làm nương rẫy thì kỹ thuật canh tác, công cụ sản xuất cũng tiến bộ hơn trước. Hệ thống giáo dục các cấp được thiết lập. Dân trí từng bước được nâng cao. Mê tín dị đoan bị đẩy lùi một bước. Một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học giáo dục, kỹ thuật, văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số đang hình thành và đang trên đà phát triển về số lượng và chất lượng. Trong tương lai không xa, khi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện địa hóa ở Tây Nguyên được hoàn thành thắng lợi, thì tàn dư của xã hội nguyên thủy sẽ mất đi, già làng và chủ làng tất yếu cũng kết thúc vai trò lịch sử của nó.
Tuy nhiên, hiện nay khi các thiết chế xã hội nguyên thủy dưới các mức độ khác nhau đang còn tồn tại ở Tây Nguyên thì già làng và chế độ già làng dù bị hạn chế so với trước vẫn còn sức sống và tiếp tục phát huy tác dụng trong cuộc đời thường của các dân tộc.
Điều cần chú ý là ta đi lên xã hội chủ nghĩa không phải với quan điểm hư vô chủ nghĩa, đoạn tuyệt với quá khứ mà hiện tại, quá khư và tương lai là các mắt xích của một quá trình thống nhất không thể tách rời. Nghệ thuật lãnh đạo là phải biết chắt lọc cái gì là tích cực của di sản quá khứ, lồng vào nó một nội dung mới, để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước ta hôm nay.
Đánh giá vai trò của công xã trong lịch sử, khi đề cập đến công xã nông thôn ở Nga, Mác đã gọi đó là thế giới vi mô cục bộ, coi sự biệt lập là điều làm cho nó yếu ớt và bị trở ngại về mọi mặt. Lênin thì cho rằng muốn vượt qua hạn chế của công xã, phải nhiều thế hệ làm mới xong, vì cần nhiều thời gian mới có thể cải tạo được tập quán và tâm lý người tiểu nông. tuy nhiên, mặt khác các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đã có quan điểm xử lý rất đáng được chú ý đối với công xã. Trong công trình Bàn về vấn đè chủ nghĩa xã hội ở Nga, Ănghen cho rằng không những có thể mà còn chắc chắn là sau thắng lợi của giai cấp vô sản và sau việc xã hội hóa những tư liệu sản xuất ở các dân tộc Tây Âu, thì những nước vừa mới bước vào con đường sản xuất tư bản chủ nghĩa và vẫn còn có chế độ thị tộc nguyên vẹn hoặc những tàn dư của chế độ thị tộc có thể sử dụng những tàn dư đó của sở hữu chung và những tập quán nhân dân tương ứng làm công cụ mạnh mẽ để rút ngắn một cách đáng kể trong quá trình phát triển của mình lên chủ nghĩa xã hội và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu chúng ta phải trải qua.
Trong điều kiện cụ thể của Tây Nguyên nước ta, già làng, hội đồng già làng, chủ làng chính là yếu tố của xã hội thị tộc mà Ăngghen nói, ta có thể phát huy để xây dựng cuộc sống mới ở Tây Nguyên.
Từ năm 1945 đến nay, thực tế cuộc sống ở Tây Nguyên chứng tỏ rằng già làng không phải là lớp người bảo thủ, quay lưng lại với cuộc sống mới, mà nhiều người trong số họ, bằng mồ hôi và xương máu đã góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, hơn thế nữa họ còn tổ chức động viên con cháu, bà con trong dòng họ và dân làng tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc một cách có hiệu quả. Cố nhiên, trong cuộc sống mới, vai trò của họ không còn giữ nguyên được tầm quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay họ còn có vai trò nhất định, thể hiện trên các mặt sản xuất và bảo vệ buôn làng, trong việc bảo tồn và truyền tải cho các thế hệ sau bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo của dân tộc, trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, thảm thực vật, quần thể động vật, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, trong việc áp dụng dược liệu địa phương, y học dân tộc phục vụ chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sự lành mạnh của giống nòi, đặc biệt trong việc tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đòng và giữa các dân tộc trong nước ta, bằng lỹ lẽ thuyết phục, bằng luật tục góp phần điều chỉnh tốt đẹp các mối quan hệ để củng cố và phát triển cộng đòng. Mọi người đều biết hiện nay ở Tây Nguyên đồng bào dân tộc thiểu số định cư từ trước chỉ chiếm một phần ba số dân, còn lại là cư dân ở các nơi chuyển đến sinh sống làm ăn. Sự giao tiếp giữa đồng bào tại chỗ và lớp người đến sau được tăng cường và mở rộng. Những va chạm trong cuộc sống đời thường giữa thành viên trong một đồng tộc và giữa các dân tộc là khó tránh khỏi. Các thế lực thù địch lại có âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta. Thêm vào đó còn là do hậu quả của chính sách chia để trị của phong kiến, nhất là của thực dân vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do lịch sử để lại, nên kinh tế - xã hội ở nhiều vùng dân tộc và miền núi còn kém phát triển, mang nặng tính tự cấp, tự túc, dựa nhiều vào tự nhiên, phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu. Trong những điều kiện như thế, già làng còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc nước ta trong điều kiện mới. Hiện nay hệ thống pháp luật của nước ta đã bao trùm lên toàn nước. Tây Nguyên một bộ phận của Tổ quốc cũng nằm trong hành lang pháp lý của cả nước. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể ta có thể áp dụng luật tục thông qua già làng để điều chỉnh một số mối quan hệ giữa cư dân Tây Nguyên, mà không trái với luật pháp chung của Nhà nước. Nếu trước đây “phép vua còn thua lệ làng”, thì ngày nay, lệ làng, hương ước, quy ước nói chung trên toàn quốc và nói riêng ở Tây Nguyên phải luôn tuân theo phép nước, nó là một bộ phận bổ trợ đắc lực cho chủ trương, chính sách, của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể ở Tây Nguyên.
Già làng Tây Nguyên thuộc về tầng lớp trí thức của các dân tộc Tây Nguyên, có thể nói là lớp kem, là tinh hoa của xã hội Tây Nguyên truyền thống. Dưới chế độ mới, tầng lớp trí thức đó được xem là trí thức cũ. Vì trải qua nửa thế kỷ, xem như là một lĩnh vực của thành tựu của cách mạng, ở Tây Nguyên, cũng như các vùng dân tộc thiểu số khác, đã hình thành một đội ngũ trí thức mới bao gồm cán bộ quân, dân, chính, Đảng các cấp từ cơ sở đến Trung ương, các nhà khoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, v.v.. Tầng lớp trí thức cũ và mới ở Tây Nguyên là cái nền để trên cơ sở đó nảy sinh những đại biểu tiêu biểu người dân tộc, nghĩa là những người ưu tú tiêu biểu, tinh hoa của các dân tộc trong thời kỳ mới. Ở đây cần phân biệt các khái niệm: đại biểu tiêu biểu người dân tộc thiểu số và đại biểu tiêu biểu của dân tộc. Muốn là đại biểu tiêu biểu của dân tộc thì điều quan trọng nhất là phải được chính các dân tộc suy tôn, thừa nhận. Trong số trí thức cũ, già làng, chủ làng, nếu ai đó mà thoái hóa biến chất đi ngược lại lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đi ngược lại lợi ích của chính bản thân dân tộc mình, phá vỡ sự đoàn kết keo sơn truyền thống của dân tộc nước ta, cản trở sự thực hiện các nguyên tắc bình đẳng - đoàn kết - tương trợ, cùng phát triển của các dân tộc, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ, thì tất nhiên không phải, không còn là đại biểu tiêu biểu chân chính của dân tộc. Còn trong hàng ngũ trí thức mới, nếu ai đó không gắn bó máu thịt với văn hóa dân tộc, không nói được tiếng mẹ đẻ, không đọc được chữ dân tộc, xa lạ với tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình, dù là cán bộ quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhưng khi về buôn làng thấy lạc lõng thì khó mà được dân làng suy tôn làm đại biểu tiêu biểu của dân tộc mình.  Đảng, Nhà nước, Mặt trận luôn đánh giá cao vai trò của đại biểu tiêu biểu các dân tộc trong tiến trình gương mẫu đi đầu, tổ chức dẫn dắt dòng họ buôn làng, dt mình ra sức đóng góp vào sự nghiệp cách mạng mới của nước ta. Tuy nhiên muốn biến nhận thức tư tưởng này vào thực tiễn cuộc sống, cần phải có cơ chế và một loạt biện pháp liên hoàn hữu hiệu. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa IX) đã đề ra một số giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc, trong đó: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”[1].
Phan Hữu Dật


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.42

No comments:

Post a Comment